Dùng phân người làm... nhiên liệu nấu nướng
Phân là một trong những nguyên liệu để sản xuất khí mêtan phục vụ cho công nghiệp cũng như giúp tăng độ màu mỡ cho đất trồng, nhưng phân người thường không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách. Điều này vô tình là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như dịch tả.
Một vấn đề thường gặp tại khu vực nông thôn của các nước đang phát triển là sự thiếu thốn các hệ thống xử lý rác thải, từ hệ thống cống thoát nước hay hố xí đạt chuẩn. Nguồn nước hay nguồn thức ăn ở các khu vực này vì vậy rất dễ bị ô nhiễm.
Nước thải nhà tiêu rất dễ bị rò rỉ qua hệ thống nước ngầm, gây ô nhiễm nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải từ nhà tiêu, hệ thống tự hoại, hệ thống cống rãnh cũng gây tác động không nhỏ tới môi trường cũng như khu dân cư.
Tia hi vọng được loé lên khi một dự án giải quyết đồng thời vấn đề chất thải con người và nhiên liệu đang được phát triển tại Kenya, nơi 80% nguyên liệu đốt phụ thuộc vào than củi hay gỗ, dẫn đến nạn phá rừng và các lo ngại về sức khoẻ.
Dự án này biến đổi chất thải thành than đốt, qua đó trở thành nguyên liệu dùng trong nhà bếp, giảm tác động đến sức khoẻ với mức chi phí phải chăng.
Tại Nakura, Kenya, nhà máy của Công ty Dịch vụ Nước và Vệ sinh Nakuru tiếp nhận các thùng chất thải từ hệ thống cống rãnh và nhà tiêu để xử lý ở nhiệt độ cao (300 độ C) trong một quá trình carbon hóa.
Sản phẩm sau đó được nghiền trong máy và trộn với mật mía (có tác dụng như một chất kết dính) để cuộn thành dạng bóng và sấy khô. Một kg thành phẩm như vậy có giá khoảng 50 cent Mĩ (khoảng 11.000 đồng), và theo báo cáo, sản phẩm vừa không có mùi, vừa cháy lâu hơn than thông thường.
Theo John Irungu, đại diện công ty, carbon hóa là quá trình làm tăng hàm lượng carbon trong vật liệu. Trong trường hợp này, công ty đã dùng một buồng trống có lỗ ở dưới đáy để thổi oxy vào một cách hợp lý để hỗ trợ quá trình đốt cháy.
Bằng cách này, các chất độc hại được loại bỏ hoàn toàn và thành phẩm về sau sẽ không hề có mùi cũng như an toàn khi sử dụng.
Hiện công ty có thể sản xuất được 2 tấn vật liệu như vậy mỗi tháng, với tham vọng đạt chỉ tiêu 10 tấn/tháng vào cuối năm sau sau khi lắp đặt thêm thiết bị khử nước và carbon hóa.
Dự án cũng hỗ trợ xây dựng 6,000 nhà vệ sinh để vừa thu thập chất thải, vừa giúp người dân có khu vực hợp vệ sinh để ‘xử lý’.
Hiệp (Theo Treehugger)