Vòng đeo tay cho người khiếm thị

Chàng trai Đỗ Tiến (28 tuổi, Hà Nội) đã sáng chế ra vòng đeo tay hỗ trợ cho người khiếm thị, giúp họ đi lại dễ dàng hơn.

vongdeotay_rgvx.jpg

Tình cờ thấy thông tin về cuộc thi The 2017 Hackaday Prize (cuộc thi sáng tạo tổ chức ở Mỹ - PV) với yêu cầu “sử dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật”, Đỗ Tiến đã liên tưởng đến những khó khăn, khổ sở của những người khiếm thị trong cuộc sống, nên nảy ra ý tưởng làm vật dụng để hỗ trợ, giúp đỡ những người kém may mắn này.

“Ở VN có khoảng 3 triệu người khiếm thị. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy có nhiều sản phẩm trên thị trường dành cho những người này, nhưng giá thành cao và cách sử dụng còn phức tạp. Chính vì thế mình phải tạo ra sản phẩm đơn giản hơn”, Đỗ Tiến nói.

Chàng trai 28 tuổi này quyết định tận dụng các đồ vật có sẵn để chế tạo, và chỉ trong hai tuần, Đỗ Tiến đã cho ra đời vòng đeo tay dành cho người khiếm thị.

“Có hai cách đeo trên tay, hoặc không dùng gậy hoặc kết hợp với một chiếc gậy, có tính năng rung ngón tay để cảnh báo vật cản, tạo tiếng kêu bíp bíp để cảnh báo vật cản, cài đặt được cường độ mạnh, nhẹ của loa hoặc mô tơ rung, có thể cài đặt được khoảng cách nhận biết vật cản từ 2 - 5 m. Sản phẩm này có trọng lượng nhẹ, góc nhận biết vật cản của thiết bị khoảng 30 độ, thời gian sử dụng pin khoảng 6 tiếng cho mỗi lần sạc”, Đỗ Tiến giới thiệu về sản phẩm của mình.

Đã có khá nhiều người khiếm thị sử dụng thiết bị này và dành lời khen cho chủ nhân của sáng chế.

Được biết, vòng đeo tay cho người khiếm thị (tên tiếng Anh là Bracelet for the blind) đã lọt vào danh sách 20 sản phẩm tốt nhất cuộc thi The 2017 Hackaday Prize, nhận được tiền thưởng 1.000 USD; đồng thời vào vòng chung kết để tranh giải 30.000 USD trong thời gian tới.

Hiện chàng trai người Hà Nội này vẫn tiếp tục tham khảo ý kiến của những người được sử dụng, qua đó điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm hơn nữa.

“Tôi đang nghiên cứu nâng cấp tính năng kết hợp với một pin dự phòng để thời gian sử dụng sản phẩm có thể lên đến hàng tuần cho một lần sạc. Ngoài ra, tôi suy nghĩ đến cách chống được nước mưa và có thể giảm trọng lượng cho thiết bị này. Chắc chắn thiết bị này sẽ có nút nhấn gọi trợ giúp trên thiết bị, hay định vị GPS”, Đỗ Tiến chia sẻ.

Xuân Phương - Báo Thanh niên