Chuyện về cha đẻ Cờ Toán Việt Nam
Chỉ học hết lớp 7 vậy mà ông phát minh ra Cờ Toán! Phải chờ đợi 35 năm phát minh của ông mới được cấp bản quyền, rồi có người nước ngoài trả 1 triệu USD nhưng ông không bán. Lý do không bán của ông đơn giản: “Cờ Toán là của người Việt để người Việt chơi, chơi càng thêm yêu mến và tự hào về dân tộc mình. Vậy thôi!” Ông là Vũ Văn Bẩy ở 43 dốc Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh.
12 tuổi lấy vợ và cái kết
Vũ Văn Bẩy có biệt danh là Bẩy Mục, thủ môn từng khoác áo đội tuyển Đường Sắt, Công An Hà Nội, Bưu Điện… những năm 60, được gọi là tấm lưới thép ám ảnh những chân sút phạt đền 11m.
Người đàn ông say mê bóng đá này thật lắm tài nhiều tật. Không một ngày ngồi trên ghế trường Mĩ Thuật nhưng ông đã có hàng chục triển lãm điêu khắc và đoạt được nhiều giải thưởng.
Ông còn là cha đẻ Cờ Toán Việt Nam có người trả 1 triệu USD nhưng ông không bán mà muốn đưa nó vào trường học cho học sinh cả nước “chơi mà học” rèn luyện trí thông minh sáng tạo cách sống…
Vũ Văn Bẩy là nhà điêu khắc tài tử say mê nghệ thuật đến mức vì nó mà... nợ như Chúa Chổm. 19 tuổi đã sống cảnh gà trống nuôi con. Ông đã nếm đủ cực nhọc đắng cay trong cuộc đời để đến được với nghệ thuật và phát minh Cờ Toán.
"12 tuổi, bố mình bảo lấy vợ đi tao sẽ cho mày cái xe đạp! Thế là khoái, gật đầu ngay! Đến khi rước dâu các cụ phải tá hoả đi tìm chú rể, còn mình vẫn chơi gỡ mấy ván đáo cũng lũ trẻ. Có vợ rồi nhưng cái máu bóng đá cứ rình rịch trong cơ thể nên nhiều khi chẳng ngó ngàng đến ai khác ngoài quả bóng. Chẳng biết kiếp trước có cái tài “vồ” gì mà mình bắt bóng “dính lắm”, rồi thành nổi tiếng.”- Ông Bẩy vừa cười vừa vẫy tay cho mấy đứa cháu chơi ở sân bảo vào chào khách, nói.
16 tuổi Vũ Văn Bẩy đang làm công nhân ở nhà máy Gốm sứ Thanh Sơn đã được đầu quân cho các đội bóng hàng đầu lúc đó như Công An Hà Nội, Đường Sắt, Bưu Điện...
Năm 1989, truyện ngắn "Phác thảo chân dung một nhà văn" của ông được giải A cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ. Ông còn viết sách về mĩ thuật, thú chơi non bộ cây cảnh… Ngay những năm 1960 ông đã viết 6 -7 kịch bản, rồi được Trường Điện ảnh mời vào học ngay từ những khoá đầu tiên cùng với nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Phan Hách nhưng do “trục trặc kĩ thuật” nên cuộc sống của ông đã rẽ sang ngả khác.
Ngày tháng 8/1970 cùng một lúc ông nhận được hai cái giấy báo mừng đến phát khóc: Một bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường cấp 1 của xã, một triệu tập đi học lớp huấn luyện viên 7 năm ở Trung Quốc.
Sẵn có cái máu chơi bóng lúc nào cũng rình rịch trong người, chẳng phải chần chừ lựa chọn, ông khăn gói quả mướp lên Hà Nội tập trung ngay cùng 24 người đều là những tài năng bóng đá trong nước chờ làm thủ tục xuất cảnh. Nào ngờ, đến phút chót người ta thông báo ông bị loại. Lý do thật đơn giản: Ông đã có vợ và ba con!
Gà trống nuôi con…
“Xôi hỏng bỏng không”, chán nản chàng thủ môn xin đi lái xe quá cảnh sang nước bạn Lào.
Sự vắng mặt biền biệt là một trong những nguyên nhân dẫn tới ly hôn. Toà chấp nhận cho ông nuôi ba đứa con.
Đứa bé lúc ấy còn bế ngửa!
Khổ cho cảnh gà trống nuôi con, những lúc đứa bé khát sữa rúc vào ngực cha tìm bầu vú không thấy sữa cứ ngằn ngặt khóc, dỗ cách gì cũng không nín!
Để có tiền nuôi con ăn học một thời ông nhận làm việc cả ba ca cho Nhà máy xay Đáp Cầu. Hai đứa lớn lúc thì gửi nguời thân. Gặp lúc bí quá, ông đã có “sáng kiến” buộc dây hai đứa con lớn vào cột cho chơi trong vòng bán kính mấy mét để có thời gian chăm sóc đứa nhỏ.
Lúc ngủ ông đặt con vào trong... thúng cho khỏi ngã! “Đầu tắt mặt tối” cho cuộc mưu sinh nhiều lúc tuởng như quật ngã chàng cầu thủ. Vậy mà trong 27 năm làm việc ở nhà máy, thì 53 lần ông được bầu là chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến!
Vũ Văn Bẩy đến với điêu khắc từ sự cực khổ mưu sinh, trăm nghề vẫn đói rách hoàn đói rách. Hết bơm xe đầu đường đến vẽ tranh bán vẫn không đủ nuôi mấy miệng ăn. Thế rồi một hôm ông “liều” nặn tượng... bán!
Chàng thủ môn thất nghiệp mang cái cuồng nhiệt bóng đá vẫn đau đáu trong mình pha trộn với đằm thắm hồn quê Quan họ thổi vào tác phẩm để hồn vía Quan họ mời trầu, Gặp gỡ, Giao duyên, Giã bạn... có duyên trong điêu khắc được nhiều khách hàng trong và ngoài nước yêu thích.
Thành công với đề tài quan họ, ông lại lao vào mảng đề tài các danh nhân văn hoá, những vị có công với dân, với nước.
Năm 1980 tượng cụ Đề Thám được giải Khuyến khích của tỉnh. Năm 1982 Tượng Ngô Gia Tự được giải Nhất toàn quốc, Phút bình yên của mẹ, Mưa bão rừng Trường Sơn, Dân quân bắt giặc lái... Được giải thưởng và được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Điện Biên Phủ trên không...
Cứ đến ngày thương binh liệt sĩ, Vũ Văn Bẩy lại dành dụm số tiền ít ỏi kiếm được đến tận nhà thăm hỏi tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong tỉnh. Rồi những rung động từ cuộc đời các mẹ qua bàn tay, khối óc, tâm hồn ông đã làm nên những tác phẩm điêu khắc có sức lay động mãnh liệt!
Điều bất ngờ nhất cũng là thành công nhất không phải tác phẩm được giải thưởng của Hội Mĩ thuật mà nhiều người chẳng là gia đình liệt sĩ vẫn “sở hữu” bằng được những tác phẩm “truyền thần’’ ấy về đặt trên ban thờ.
Khổ cho ông, càng có tác phẩm được giải thưởng ông càng nghèo thêm. “Cơm áo không đùa với khách thơ” là thế.
Để làm tương Nguyễn Văn Cừ, ông Bẩy "dốc túi". Lúc đầu làm ở ngoài trời, mọi người kéo đến xem đông như hội. Ông phải chuyển “địa bàn thi công’’ vào trong nhà. Bức tượng quá lớn phải... dỡ cả nóc nhà ra mới hoàn thiện được.
Làm xong, tượng đẹp đến mức nhiều người ở các tỉnh khác đánh xe về tận nơi quay phim chụp ảnh để lấy mẫu về dựng tượng. Trường Đảng tỉnh Bắc Ninh đặt tượng nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ do Vũ Văn Bảy đắp trong không gian trường của mình. Thế rồi một ngày người chị của Nguyễn Văn Cừ tìm gặp tác giả bức tượng, bà cảm động ôm ông Bẩy mà khóc : "Cậu ơi, anh này nặn cậu giống quá…". Ông Bẩy bảo, đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời mình!
Vụ ấy ngoài tiền công ông còn được thưởng thêm 100% nhưng vẫn không đủ trả... tiền “cắm quán”.
Thế rồi, “…nhà dột nợ đòi”, ông phải bán cả nhà đi trả nợ.
Năm 1982, Uỷ ban nhân dân tỉnh (Hà Bắc) thấy Vũ Văn Bẩy không mảnh đất cắm dùi liền cấp cho ông 3.000m2 đất để làm xưởng, nhưng Vũ Văn Bẩy lúc ấy chẳng có đồng xu nào nên ông lại mang trả lại, sợ mang tiếng là lợi dụng có chút danh mọn, kiếm chác.
35 năm chờ đợi
Phải mất 35 năm chờ đợi Cờ Toán của Vũ Văn Bẩy mới được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức công nhận sản phẩm trí tuệ vào tháng 5-2005. Ông chẳng thể nào quên bao lần buồn rầu, thất vọng khi mang Cờ Toán đến Uỷ ban Khoa học Nhà nước để họ nghiên cứu cấp bản quyền sáng chế cho mình. Nhưng đều được những cái lắc đầu: Không thể giám định được.
Thỉnh thoảng bố con ông lại mang ra chơi vài ván để lấy cảm hứng sáng tác rồi ông lại cất cẩn thận trong hòm sắt, khoá bằng khoá chống kìm cộng lực… Ông bảo, có chờ đợi mới thấu hiểu cái giá của sự sáng tạo, thành công, hạnh phúc!
Trong Cờ Toán, nếu muốn ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương thì người chơi phải tìm cách di chuyển quân sát nhau, tạo thành một mạng lưới sức mạnh. Nếu muốn tấn công đối phương người chơi phải tìm cách chia rẽ các nước đi, không cho quân cờ của đối phương tiến sát liền kề nhau.
Cờ Toán Việt Nam khác cờ tướng, cờ vua ở chỗ quân số 0 là dân chứ không phải tướng hay vua và khi để dân bị đối phương bắt, người chơi sẽ bị thua tuyệt đối… Khi phát minh Cờ Toán ông Bẩy đã cho dân thay cho tướng, vua không như các loại cờ khác. Mất dân là mất tất cả.
Năm 1970, ông Vũ Văn Bảy bắt đầu nảy sinh ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo Cờ Toán Việt Nam. Từ lúc hình thành ý tưởng cho đến lúc những quân cờ đầu tiên ra đời là quãng thời gian 10 năm thai nghén.
"Tôi muốn có một loại cờ mà tất cả mọi người trên thế giới đều có thể chơi được. Vậy chỉ có cách dựa vào một mẫu số chung nào đó vừa trí tuệ, vừa dân dã... của nhân loại, muốn thế chỉ có thể dựa vào phép tính. Đó là cái mà toàn thế giới sử dụng". Ông Bẩy tâm sự.
Cờ Toán cũng dễ chơi. Từ em nhỏ mới biết cộng trừ đến các giáo sư, tiến sỹ toán học đều có thể chơi hợp trình độ của mình.
"Cao thủ" có thể chơi theo phép tính mũ, tính thập phân... hay chơi theo hóa trị trên bảng tuần hoàn Mendeleep...
Cờ Toán kích thích tư duy tính toán, suy luận nên thật sự là một phương tiện cho học sinh, sinh viên "học mà chơi, chơi mà học".
Ông Bẩy rất tâm đắc với mục tiêu của Cờ Toán Việt Nam là : Thân thiện - Trí tuệ và Sáng tạo. Cha đẻ cờ toán bảo, ẩn sau mấy chữ là một triết lý nhân sinh cao cả! Bởi, ở đời người ta vơ vào cho mình là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, cũng phải biết trừ đi, biết chia cho người khác.
Vì thế, trong các phép tính để tấn công hay phòng thủ của Cờ Toán, có lúc cộng hay nhân là hay, nhưng có khi phải trừ hay chia mới hiệu quả.
Năm nay ông Bẩy đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn ngày đêm cùng con cháu tạc tượng, vẽ tranh, chơi cờ vì theo ông Cờ Toán không chỉ giúp người ta tính toán mà còn gửi gắm những giá trị nhân văn. Mỗi phép tính cộng biểu hiện cho sự cộng hưởng, đoàn kết. Phép trừ mang hàm ý lùi một bước để tiến nhiều bước, biết nhẫn nhịn chờ đợi thời cơ. Phép nhân là biểu hiện của việc nhân lên bội phần của sức mạnh tập thể. Phép chia là sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống…
Minh Thụy - Viettimes.vn