Tình người từ những thành viên “Không mua gì”
Thông thường bạn sẽ phải bỏ tiền ra mua những món đồ mình cần. Nhưng không phải tất cả những thứ bạn muốn đều có thể mua được bằng tiền. Từ suy nghĩ đó, 2 cô gái sống ở đảo Bainbridge, Rebecca Rockefeller and Liesl Clark đã xây dựng một cộng đồng không dùng tiền với tên gọi “Không mua gì" (Buy Nothing).
Ở đó, tiền mặt không được sử dụng nhưng bạn có thể có quần áo, đồ chơi, thức ăn, thậm chí là cả một đám cưới đều hoàn toàn miễn phí. Quan trọng nhất, các thành viên nhận được những giá trị lớn hơn vật chất, đó là tình người.
Erika Dudra là một trong những thành viên của cộng đồng. Cách đây 2 năm, cô hầu như không quen biết bất kỳ người hàng xóm nào. Bác sỹ trị liệu trẻ này vừa mới chia tay chồng và sống một mình trong căn hộ với một đứa trẻ 3 tháng tuổi cần được chăm sóc.
Sau đó cô đã tìm ra nhóm Facebook với cái tên Không mua gì Bắc Beacon Hill. Tiêu chí của nhóm rất đơn giản: Cho đi một vài thứ bạn không cần và yêu cầu những đồ bạn muốn.
Cô tham gia để cho đi một chiếc trường kỷ và bắt đầu yêu cầu những đồ cho em bé. Kết quả là “Con tôi bây giờ đã 2 tuổi mà tôi gần như không phải chi trả đồng nào”, cô nói.
Khi Dudra tái hôn, cô có một “Đám cưới không mua gì”. Váy cưới, bánh kem, đồ trang trí, một thông dịch viên cho những người họ hàng khiếm thính và một thợ chụp ảnh đều hoàn toàn miễn phí. Khoản lớn nhất cô phải chi là 300 đô cho việc thuê địa điểm.
Đối với những người tham gia, Không Mua gì không chỉ đơn giản là tránh văn hoá tiêu dùng bằng tiền. Nó còn kết nối những người láng giềng với nhau. Hiện tại, tất cả bạn thân của Dudra đều là những thành viên của Không Mua gì. Mỗi khi cô xuống phố uống cà phê đều gặp người quen từ cộng đồng này
Và không chỉ có Dudra, hàng nghìn thành viên khác của Không Mua gì cũng coi dự án như một phần cuộc sống của họ. Theo Jagodnik, người quản lý một nhóm tình nguyện viên: “Tôi ngồi trong phòng khách và lướt tin tức. Khi tôi cảm thấy quá tải tôi sẽ vào nhóm Không Mua gì. Nó giúp tôi khôi phục niềm tin vào tình người”.
Theo Liesk Clark, bản chất của dự án này một nửa là nhóm tặng quà qua mạng, và một nửa là kinh tế thời tiền sử Himalaya. Mục đích của một nhóm quà tặng trên mạng chủ yếu là để tránh lãng phí. Nhưng Không Mua gì còn truyền một cảm hứng huyền bí hơn. Đó là cách con người đối xử với nhau.
Cảm hứng này khởi nguồn từ một ngôi làng trên cao nguyên Nepal, nơi mà Clark đã đến để làm phim tài liệu về khảo cổ cho kênh Địa lý quốc gia năm 2007. Tại ngôi làng này, người ta không sử dụng tiền tệ.
“Tiền ở đây không có tác dụng", Clark nói. Thay vào đó, làng Samdzong hoạt động trên nền kinh tế cho tặng. Khi người trong làng cần một thứ gì đó, họ chỉ hỏi xin và mọi người cho đi chỉ đơn giản để nhận lại một mối quan hệ.
Trong một lần mang quần áo để tặng, Clark đã rất lúng túng khi một người lớn tuổi không con cái hỏi xin cô một đôi giày trẻ con. Sau đó cô được giải thích rằng, người phụ nữ đó có thể lại đem tặng đôi giày đó cho một người khác đang cần.
Trở về Mỹ, tháng 7 năm 2013, Rockefeller lập nhóm facebook lúc 10 giờ sáng. Đến trưa nhóm đã có 300 người tham gia.
Đầu tiên Clark đăng bài tặng một tá trứng gà trong nhà. Một người láng giềng mà cô chưa bao giờ gặp, Susan Sellen đã để lại bình luận để hỏi xin.
Sellen sau đó chia sẻ “Tôi đã sống ở đó trong nhiều năm, không đi ra ngoài và trò chuyện với ai”. Nhiều năm sau đó, Clark và Sellen vẫn tiếp tục gặp gỡ nhau và trở thành bạn bè thân thiết.
Từ đó, Không mua gì đã tăng theo cấp số nhân. Trong vòng 1 tháng, một nhóm tương tự được mở ra ở Bắc Kitsap, sau đó ở California, và Seattle. Đến cuối năm 2013, 27 nhóm được thành lập với tổng số 10.000 thành viên trên toàn nước Mỹ.
Clark và Rockefeller nghĩ rằng dự án bùng nổ bởi vì tiêu chí của nó không chỉ là cho tặng miễn phí. Các thành viên dự án còn kết nối với nhau qua những câu chuyện được chia sẻ trên mạng đằng sau mỗi món đồ cho đi. Các thành viên luôn được khuyến khích cởi mở và thân mật. Mọi người đều rất hứng thú với mỗi câu chuyện, “Bởi vì đó là câu chuyện về những người láng giềng của họ”, Clark cho biết.
Bây giờ, ý tưởng “Không mua gì” cũng đã mở rộng sang Canada, Australia, New Zealand, Anh, và có cả ở Việt Nam nữa.
Minh Phạm (Theo seattletimes)