10 nhà vệ sinh công cộng độc đáo nhất năm 2017 (phần 2)

Trông như hầm mỏ; hay trong suốt giữa thiên nhiên; có thể ngắm cảnh đẹp hay công nghệ rất cao là những nhà vệ sinh được xếp đầu bảng nhà vệ sinh công cộng độc đáo của trang DesginCurial nhân dịp kỷ niệm Nhà vệ sinh Thế giới năm nay.

 

 

Toa-lét Trail

Thiết kế: Các kiến trúc sư Miró Rivera Architects

Vị trí: Austin, Texas, Mỹ

Nhà vệ sinh Trail nằm trên bờ sông Colorado ở Austin, Texas, vừa là nhà vệ sinh công cộng vừa là một tác phẩm điêu khắc tô điểm cho vùng đất. Nhà vệ sinh này do kiến trúc sư Miró Rivera Architects thiết kế, là nhà vệ sinh công cộng đầu tiên đã xây dựng tại công viên này sau 30 năm.

Nhà vệ sinh thiết kế như một tác phẩm điêu khắc trong công viên - một biểu tượng sống động để thông báo cho du khách biết vị trí toa-lét công cộng.

Cấu trúc toa-lét gồm 49 tấm thép Corten xếp dựng đứng với chiều dài và chiều rộng khác nhau, sắp xếp theo hình vòng cung tạo thành các bức tường nhà vệ sinh, mái nhà và cửa làm bằng các tấm thép. Các tấm thép có kích thước khác nhau xếp xáo trộn nhằm tạo điểm nhìn, cho phép ánh sáng và không khí trong lành vào bên trong toa-lét.

 

Nhà vệ sinh Minturn Mining

Thiết kế: Thị trấn Minturn, Kiến trúc Lan - Monika Wittig, LGM 3D Studios And Noble Welding

Vị trí: Minturn, Colorado, Mỹ

Nằm cách thành phố Denver 2 giờ di chuyển bằng ô tô về phía Tây, Minturn là một thị trấn nhỏ được thành lập từ 1904. Thị trấn có lịch sử khai thác mỏ lâu đời, do đó nhà vệ sinh công cộng thiết kế giống lối vào hầm mỏ Rocky Mountain.

Những chiếc gờ bằng gỗ chạm khắc các hình thù sống động, những con bướm thép và những bức tường màu đồng. Tất cả tạo nên một trải nghiệm sâu sắc.

Đáng ngạc nhiên, những nhà vệ sinh này sử dụng công nghệ in 3D và tốn 100.000 đô-la chi phí xây dựng. Giám đốc thiết kế của Minturn, ông Janet Hawkinson cho biết: "Phòng vệ sinh công cộng của chúng tôi đã chứng minh sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật, kiến trúc và sự sáng tạo. Nó làm thay đổi cảm xúc, không gian và con người".

 
ichihara1.jpg

Nhà vệ sinh ngoài thiên nhiên

Thiết kế: Kiến trúc sư Sou Fujimoto

Vị trí: Ichihara, Nhật Bản

Nằm giữa rừng cây đào, mận và anh đào, nhìn ra khu vườn bí mật, có lẽ đây là nhà vệ sinh công cộng rộng rãi và thanh bình nhất trên thế giới. Nhà vệ sinh ngoài thiên nhiên do kiến trúc sư người Nhật Bản Sou Fujimoto thiết kế. Toa-lét làm từ kính trong suốt kết hợp với bức tường gỗ cao 2 mét bao quanh giúp người ngoài không thể nhìn thấy toa-lét bên trong.

Du khách vào toa-lét thông qua một cửa duy nhất và đi bộ trên một con đường mòn dẫn đến khu vệ sinh; toa-lét công cộng dành cho phụ nữ và chỉ cho phép một người cùng lúc trong đó.

Nhà vệ sinh này mở từ năm 2012, nhằm chuẩn bị cho lễ hội Nghệ thuật hàng năm của Ichihara, phục vụ cho mục đích xây dựng nhà vệ sinh thân thiện dành cho khách du lịch. Nhà thiết kế Sou Fujimoto cố gắng thiết kế một nhà vệ sinh công cộng tạo cảm giác thoáng đãng, đồng thời đảm bảo sự riêng tư và an toàn cho người sử dụng.

 

Nhà vệ sinh Stegastein Lookout

Nhà thiết kế: Todd Saunders / Saunders & Wilhelmsen

Vị trí: Stegastein, Aurland, Na-Uy

Nằm trên đỉnh núi Stegastein, dọc theo 'Aurlandsfjellet', một trong Các tuyến du lịch quốc gia của Na Uy, du khách đứng trong nhà vệ sinh có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Na-uy mà vẫn đảm bảo độ an toàn tuyệt đối. Căn phòng đặt trên mép vách đá, do Todd Saunders and Tommie Wilhelmsen thiết kế.

Nhà vệ sinh với thiết kế nhỏ gọn, tường bê-tông sơn màu đen, tạo độ tương phản với màu xanh của môi trường tự nhiên xung quanh, giúp du khách ‘phát hiện’ dễ dàng. Từ nhà vệ sinh, người dùng có thể nhìn thấy qua một trong những vịnh lớn nhất của Na Uy trên bờ biển phía tây, gần thị trấn nhỏ Aurland, ở Sogn og Fjordane.

 
ttgn_010_rev.jpg

Nhà vệ sinh Gallery Toto

Thiết kế bởi: Nhà thiết kế Klein Dytham

Vị trí: Sân bay Narita, Nhật Bản

Đứng đầu Bảng xếp hạng là nhà vệ sinh Gallery Toto, nhà vệ sinh này có 2 mục đích sử dụng: là nhà vệ sinh công cộng và là phòng trưng bày cho Toto, nhà sản xuất nhà vệ sinh hàng đầu của Nhật Bản.

Phòng trưng bày Toto nằm trong Sky Lounge WA, tại khu vực khởi hành của Ga hàng không Narita 2, Gallery Toto phá vỡ nhận thức thông thường về nhà vệ sinh như đóng cửa, môi trường tối… Thay vào đó, công ty kiến trúc Klein Dytham đã hình thành ý tưởng về các phòng kính riêng biệt phục vụ từng cá nhân.

Vì nhà vệ sinh công cộng này đặt ngay tại phòng chờ sân bay với không gian thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng, nhiều người nghĩ rằng người ngoài có thể nhìn thấy mọi hoạt động diễn ra bên trong toa-lét Toto. Khi đi bên ngoài, mọi người có thể dễ dàng thấy những bóng mờ phía sau tấm kính.

Trên thực tế, nhà thiết kế đã sử dụng các bảng đèn LED có điện trở thấp đặt phía sau tấm kính, che chắn bằng các bức vẽ, tạo nên những buổi ‘trình diễn’ kéo dài trong khoảng 20 phút cho mỗi phòng - từ các bữa tiệc khiêu vũ đến quy trình lau dọn, các giọt nước đến các sóng màu.

Các hình ảnh này kết hợp với nhau tạo thành một trải nghiệm hình ảnh độc đáo cho cả người sử dụng nhà vệ sinh và cho những người ngồi trong không gian phòng khách của sân bay, chứng minh rằng thiết kế nhà vệ sinh công cộng có thể được sáng tạo theo những cách độc đáo.

Nguyễn Tâm (Theo Designcurial)