Sáng kiến từ tấm lòng thơm thảo
Sau gần hai năm miệt mài, Nguyễn Thanh Bình, học sinh Trường THCS Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy rửa bát thông minh.
Sản phẩm sáng tạo của em được trao giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII (2016-2017) và cuối tháng 10-2017, sản phẩm được Hội đồng Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 13 trao giải Khuyến khích.
Niềm say mê sáng tạo và sản phẩm “đầu tay”
Cuối tháng 10-2017, về TP Tam Điệp công tác, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Thanh Hương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình, TP Tam Điệp. Chiều tối, chị đưa chúng tôi sang nhà người quen gần đó để giới thiệu sản phẩm nghiên cứu mang tính sáng tạo của một nữ sinh nhà trường.
Khi chúng tôi đến, gia đình vừa ăn cơm xong, những chiếc bát, đĩa, thìa, đũa… được đưa vào trong ngăn của một chiếc tủ hình chữ nhật, vỏ làm bằng inox. Sau vài thao tác bấm tích hợp chương trình, chiếc máy kêu ro ro; khoảng 7 phút sau, gia chủ lấy bát đĩa từ trong tủ ra.
Tôi cầm một chiếc bát lên xem và cảm nhận bát sạch bóng, khô ráo; cả những chiếc đũa tre ngay sau khi rửa cũng khô như vừa được phơi ngoài trời nắng. Chị Hương cho biết, đây là chiếc máy rửa bát do em Nguyễn Thanh Bình nghiên cứu, chế tạo; sản phẩm đã đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng của tỉnh.
Càng khâm phục hơn khi trước mặt chúng tôi là “nhà sáng chế” trẻ Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 2003, có khuôn mặt bầu bĩnh, đang là học sinh lớp 9. Bình giới thiệu nhanh về cấu tạo của chiếc máy. Theo đó, trong máy có 3 động cơ điện một chiều dùng để quay giá bát đĩa và bơm nước sạch, nước rửa bát.
Phía dưới nắp máy có bộ điều khiển và bên ngoài có nút bấm điện tử… Nguyên lý làm việc của máy khá đơn giản. Khi bật nút khởi động, bát đĩa bẩn được xếp trên giá đỡ hình trụ sẽ quay đảo chiều 180 độ.
Nước rửa bát được bơm từ trên xuống vào bát đĩa trên giá; nước sạch được bơm với áp lực cao từ đáy và ngang thân giá đỡ bát đĩa, tạo ra dòng xoáy làm sạch bát đĩa. Kết thúc chu trình rửa, đèn UV tự động bật sáng và hệ thống sấy cũng được kích hoạt để làm khô bát đĩa.
Chị Hương hào hứng cho biết, chiếc máy nhìn khá đơn giản, nhưng rửa rất sạch các loại bát đĩa. Máy có giá thành rẻ, dễ sử dụng, sửa chữa và thay thế, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình. Đặc biệt, máy có tính năng khử trùng, sấy khô bằng tia cực tím, nên bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh, diệt khuẩn...
Trò chuyện với chúng tôi, Thanh Bình bộc bạch: "Do đam mê khoa học công nghệ nên từ năm học lớp 7, em đã suy nghĩ và ước mơ làm ra một sản phẩm hữu ích. Em đã chọn làm máy rửa bát để giúp mẹ đỡ vất vả trong làm các công việc gia đình, nhất là vào mùa đông, hoặc khi nhà có khách".
Ý tưởng ban đầu của Bình được thể hiện qua các bản vẽ đơn giản. Nhưng cũng phải mất gần một năm em mới lựa chọn được cách làm phù hợp. Ngày nghỉ, Bình đi đến các cửa hàng sắt vụn trên địa bàn TP Tam Điệp để tìm vật liệu cũ, như: Mô tơ của máy phun nước rửa kính ô tô, mô tơ gạt mưa và các loại béc phun tạo tia nước...
Nhờ thầy giáo, cô giáo hướng dẫn, góp ý, đầu năm học lớp 8, Bình mạnh dạn tiến hành lắp ráp, thử nghiệm. Sau 3 tháng miệt mài và qua nhiều lần thất bại, cuối cùng, chiếc máy rửa bát do Bình chế tạo cũng đã hoàn thiện. Riêng phần điều khiển điện tử, Bình được các thầy giáo, cô giáo giúp đỡ nghiên cứu, chế tạo, bởi những vấn đề về phần mềm, tụ điện, điện trở, mạch... là những kiến thức em chưa được học, khó có thể tự mình mày mò, lắp ráp được.
Về giá thành của chiếc máy rửa bát này, theo em tính toán, nếu tận dụng vật liệu cũ thì chi phí làm chiếc máy chỉ khoảng 500.000 đồng; còn nếu mua các linh kiện mới thì giá thành khoảng 1.300.000 đồng.
Bình tâm sự: "Kiến thức về vật lý được học trên lớp chỉ mang tính đại cương, do vậy, để chuyển được ý tưởng thành sản phẩm, em phải tự học trên Youtube. Ở đó, các loại máy rửa bát của nước ngoài sản xuất rất hiện đại và tinh xảo; được tích hợp lắp đặt đồng bộ trong những ngôi nhà hiện đại có tủ bếp và dùng áp lực nước sẵn có từ trên cao để thực hiện chu trình làm việc.
Những ưu điểm này không hướng tới người sử dụng ở vùng nông thôn. Từ đó, em nghĩ ra cách tạo áp lực nước trong buồng rửa bằng hệ thống máy bơm sử dụng nguồn điện ác-quy. Cách làm này an toàn, tiện lợi khi sử dụng, dễ sửa chữa, thay thế khi cần và thích hợp với các gia đình ở vùng nông thôn".
Tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ
Cô giáo Lê Thị Thanh Hương tâm sự: "Ở tuổi như Bình, việc học kiến thức trên lớp là rất quan trọng. Nội dung chương trình học tập khá nặng, không cho phép các em dành nhiều thời gian cho công việc khác. Nhưng với Bình, từ lớp 1 đến nay, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Em học đều các môn, trong đó nổi bật là vật lý và các môn tự nhiên. Có được những học sinh như Bình, giáo viên chúng tôi rất phấn khởi, có thêm động lực để phấn đấu và yêu nghề hơn”.
Trò chuyện với chúng tôi, Bình ít nói về khả năng, thành tích học tập của mình, nhưng khi nói về chiếc máy rửa bát thì em say sưa hẳn và bộc bạch: "Sản phẩm của em chỉ là sáng kiến, sáng chế mang tính ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn chứ không phải là phát minh.
Vì vậy, cần phải có thời gian ứng dụng và hoạt động thử nghiệm trong thực tế thì mới đánh giá đúng về các chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế và tính an toàn khi sử dụng sản phẩm".
Em cũng thẳng thắn nói về những thiếu khuyết của “đứa con tinh thần” mà mình đã dày công sáng chế. Theo Bình, hiện trọng lượng, thể tích của chiếc máy còn lớn, nên chiếm nhiều diện tích. Em sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm, làm vỏ bằng nhựa, bảo đảm nhẹ và bền hơn.
Hơn nữa, năng suất của máy cũng còn khiêm tốn, cần nghiên cứu thêm về giá đỡ để buồng rửa chứa được nhiều bát đĩa hơn, nhưng vẫn bảo đảm rửa sạch và không quá tốn năng lượng.
Trục giá đỡ bát đĩa được quay đảo chiều 180 độ, cùng lượng nước áp lực cao bơm vào sẽ khiến các vết bẩn bám trên bề mặt bát đĩa bị loại bỏ nhanh hơn. Tuy nhiên, khi máy hoạt động, lực văng trong quá trình quay dễ làm bát đĩa bị rơi ra ngoài, gây vỡ hỏng.
Để giải quyết bài toán này, em cần phải tìm biện pháp cố định bát đĩa không bị xô lệch trong quá trình chuyển động, cũng như dưới tác động của áp lực nước.
Chúng tôi rất cảm phục, với một học sinh lớp 9, đang độ tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi, trong khi nhiều bạn cùng trang lứa còn khá vô tư thì Bình đã mày mò nghiên cứu, biến ước mơ thành hiện thực. Tình thương và sự cảm thông của em với những vất vả của mẹ nói riêng, các bà, các cô trong công việc gia đình nói chung thật đáng trân quý.
Chiếc máy vừa thể hiện lòng hiếu thảo, vừa góp phần giúp giảm thời gian, sức lao động của các bà, các mẹ, các chị trong công việc gia đình. Việc làm của Bình còn như ngọn lửa hồng, nhân lên, khuyến khích khả năng khám phá, sáng tạo của học sinh và giới trẻ.
Nguyễn Thanh Bình cũng như nhiều học sinh có cùng niềm đam mê khoa học, luôn xác định phải học tập thật giỏi, để có điều kiện theo đuổi ước mơ nghiên cứu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; có thể cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của người Việt Nam.
Đức Tâm - Theo QĐND