Robinson thời hiện đại: 28 năm một mình trên đảo

Câu chuyện sau đây về một ông lão người Ý sống một mình trên một hòn đảo thuộc Địa Trung Hải suốt 28 năm liền chắc hẳn sẽ khiến những người hâm mộ cuốn tiểu thuyết phiêu lưu Robinson Crusoe cảm thấy thích thú.

mauro-morandi-budelli-beach-maurobudelli0817.jpg

Cách đây gần ba thập kỉ - cụ thể là vào năm 1989, sau một khoảng thời gian lênh đênh, một người đàn ông tên là Mauro Morandi cùng chiếc tàu hai thân hỏng máy của ông đã dạt đến hòn đảo Budelli.

Người đàn ông này, vốn đã chán với cuộc sống xã hội, đã bán chiếc tàu hai thân và đồng ý trở thành người canh đảo mới sau khi biết rằng người tiền nhiệm của ông đã nghỉ việc được 2 ngày.

image.jpg

Cho đến nay, 28 năm sau ngày trôi dạt đến đảo Budelli, ông Morandi vẫn ở một mình trên đảo và làm nhiệm vụ của mình.

 

Ông lão 78 tuổi này thường đi dọc những bờ biển đầy đá và nhìn ra khơi xa với cảm giác nhỏ bé trước những lực vô hình ẩn sau những con sóng thủy triều - nhỏ bé đến mức “con người chỉ là muỗi khi đang sống trên Trái đất chứ đừng nghĩ đến việc con người thống trị Trái đất”, theo lời người đàn ông này.

Đảo Budelli là một trong 7 hòn đảo thuộc Công viên Quốc gia Quần đảo Maddalena, và hòn đảo này cũng được xem là đẹp nhất nhờ bãi biển Spiaggia Rosa (Bãi biển Hồng trong tiếng Ý) với màu cát hồng tự nhiên khác thường nhờ những mảnh san hô và vỏ sò, vỏ ốc nhỏ li ti liên tục bị sóng biển bào mòn.

Đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, chính phủ Ý công nhận bãi biển Spiaggia Rosa là địa điểm “có giá trị thiên nhiên nổi bật”, và việc tham quan du lịch ở bãi biển bị giới hạn với mục đích bảo vệ hệ sinh thái nhạy cảm của hòn đảo - du khách chỉ có thể tiếp cận đến một vài khu vực nhất định.

Kể từ đó, đảo Budelli tấp nập khách du lịch ngày nào giờ lại chẳng có ai khác ngoài ông lão Morandi ngày ngày loanh quanh trên đảo.

mauro-sitting-budelli-island-italy.ngsversion.1502371856444.adapt_.676.1.jpg

theo lời ông, việc sống một mình trên đảo Budelli chẳng khác nào “ông đang ở trong một nhà ngục do chính ông lựa chọn”.

 

Với cuộc sống và nhiệm vụ “do chính mình lựa chọn” như vậy, ngoài việc ngày ngày đi bộ dọc bãi biển và thả hồn vào những con sóng ngoài khơi, ông Morandi còn thu nhặt những mảnh nhựa trôi dạt vào bờ, cũng như luôn tìm hiểu và quan sát hệ động thực vật trên đảo.

Mùa đông luôn là mùa đẹp nhất đối với ông: ông ít khi phải tiếp xúc với con người vào mùa này, có khi còn chẳng gặp ai trong suốt 20 ngày liền.

mauro-shilouette-budelli-island-italy.adapt.1190.1.jpg

Vì thế, ông thường giải khuây bằng những suy nghĩ nội tâm của mình trên bờ biển vắng lặng chỉ có tiếng sóng gió điểm vào thinh không.

driftwood-art-budelli-island-italy.adapt.1900.1.jpg

Mặc dù vậy, ông Morandi vẫn dành thời gian cho những đam mê về trí tuệ và sự sáng tạo. Ông tạo nên những bức điêu khắc bằng gỗ cây bách xù với những khuôn mặt hình thù kì lạ.

Ông đắm mình trong những cuốn sách của các triết gia Hi Lạp cổ đại và những thiên tài văn học. Ông còn ghi lại những thay đổi của hòn đảo theo thời gian qua những bức hình ông chụp ‘nhà tù’ mà ông đã lựa chọn.

Đặc biệt hơn cả, dù không thích tiếp xúc với mọi người, ông Morandi vẫn làm nhiệm vụ canh giữ đảo bằng sự nhiệt tình của minh, và thậm chí ông còn giúp cho các du khách tham quan đảo vào mùa hè hiểu về hệ sinh thái trên đảo cũng như cách bảo tồn hệ sinh thái đó.

Với Morandi, công việc tìm hiểu cũng như giáo dục các du khách về hệ sinh thái đảo mà ông đang làm không giống như công việc của các nhà sinh vật học: ông biết tên những loài động thực vật trên đảo, và ông muốn cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của những loài động thực vật đó đối với tự nhiên của hòn đảo.

 
mauro-foraging-herbs-budelli-island-italy.adapt.1900.1.jpg

Ông tin rằng trong việc hướng dẫn mọi người cách cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên sẽ hiệu quả trong vấn đề bảo tồn thiên nhiên hơn là những chi tiết vụn vặt có tính khoa học.

Ngoài ra, với việc một công ty cung cấp dịch vụ mạng Internet đã phủ sóng Wi-fi trên đảo Budelli trong bối cảnh phát triển của khu vực quanh đảo, ông Morandi đã và đang giới thiệu hòn đảo ‘thiên đường’ của mình đến với thế giới thông qua mạng xã hội.

Ông tin rằng công nghệ mới và rất phổ biến này - bằng cách cho phép họ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên - sẽ giúp dễ dàng tạo sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, và ông cũng hi vọng sự kết nối đó sẽ thúc đẩy con người chung tay bảo vệ môi trường.

 

Gần 3 thập kỉ sống một cuộc sống tĩnh tại trên đảo Budelli, nhưng mãi đến gần đây ông Morandi mới trải qua một vài sóng gió đe dọa tới sự gắn bó của ông với hòn đảo.

Năm 2016, một tòa án ở Ý công nhận quyền sở hữu đảo Budelli thuộc về Công viên Quốc gia Quần đảo Maddalena sau gần 3 năm tranh chấp pháp lí để giành quyền sở hữu hòn đảo giữa một thương gia người New Zealand và chính phủ Ý.

Cùng năm đó, giới chức của Công viên Maddalena có ý định trục xuất ông Morandi ra khỏi đảo. Rất may công chúng chúng đã lên tiếng phản đối thành công - một bản kiến nghị với 18.000 chữ kí thu thập được đã buộc các nhà chức trách từ bỏ ý định trên.

mauro-sitting-porch-budelli-island-italy.adapt.1190.1.jpg

Về phần mình, ông Morandi cho biết rằng ông sẽ không bao giờ rời đi, rằng ông sẽ ở lại Budelli cho đến khi qua đời, rằng tro cốt của ông sẽ theo gió bay đi sau khi ông được hỏa táng tại đảo.

Người canh giữ đảo Budelli hiện tại vẫn làm công việc của mình, vẫn sống một cuộc sống bình lặng với nắng biển sóng gió, và tất nhiên là vẫn giữ trong mình một tình yêu thiên nhiên không bao giờ vơi và đáng trân trọng với câu nói:

“Tình yêu chính là kết quả tất yếu của vẻ đẹp và ngược lại. Bạn yêu say đắm một người không chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài của người đó, mà còn vì bạn đồng cảm với người đó - bạn trở thành một phần của người đó, và người đó cũng trở thành một phần của bạn. Tình yêu thiên nhiên cũng thế.”

Quốc Huy (Theo Nationalgeographic)