Xe lăn điện điều khiển, "trợ thủ" đắc lực của người khuyết tật

Nếu được sạc đầy pin, xe có thể chạy liên tục 6 giờ đồng hồ, với vận tốc tối đa 20km/h. Đặc biệt, người dùng có thể thực hiện tất cả các động tác di chuyển chỉ với thao tác điều khiển cần tay.

Một thành viên nhóm sáng chế đang chạy thử nghiệm sản phẩm xe lăn điện.

Một thành viên nhóm sáng chế đang chạy thử nghiệm sản phẩm xe lăn điện.

Chiếc xe lăn điện hiện đại này do một nhóm giảng viên và sinh viên khoa Cơ khí, ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) sáng chế.

Chiếc xe là thành quả của cả tập thể sinh viên cùng các giảng viên khoa Cơ khí sau nhiều ngày mày mò chế tác, hoàn chỉnh. Từ ý tưởng về một sản phẩm có tính ứng dụng thực tế của sinh viên, giảng viên trong khoa đã hướng dẫn để các bạn trẻ hoàn thiện dần.

Điểm nổi bật và ưu việt nhất của xe lăn điện này là người dùng có thể thực hiện tất cả các động tác di chuyển chỉ với thao tác điều khiển cần tay.

Dựa trên nguyên lý động cơ trục, các thao tác tới lui, xoay chuyển, nâng hạ đều được điều khiển dễ dàng qua chiếc cần tay đặt ngay vị trí thành xe. Xe chạy bằng nguồn năng lượng điện nên người dùng cũng không mất sức lăn tay hay nhờ người khác đẩy. Mỗi lần sạc đầy pin, xe có thể chạy liên tục 6 giờ đồng hồ, với vận tốc tối đa 20km/h.

"Nhóm chế tạo chiếc xe cần một khoảng thời gian chừng 2 tháng từ lúc trình bày ý tưởng lên ban chủ nhiệm khoa, đến thiết kế mô hình bằng phần mềm chuyên dùng, rồi tìm nguyên vật liệu về chế tác, lắp ráp, thử nghiệm...", Nguyễn Duy Hưng, đại diện nhóm tác giả, cho biết.

Sản phẩm xe lăn điện là thành quả của nhóm giảng viên và sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành.

Sản phẩm xe lăn điện là thành quả của nhóm giảng viên và sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Dũng, giảng viên khoa cơ khí cho hay, quá trình chế tạo nên chiếc xe lăn điện gặp đôi chút khó khăn. Trở ngại nhất đối với thầy trò khi bắt tay thực hiện là làm sao để có thể tìm nguồn nguyên vật liệu tương thích với thiết kế của sản phẩm. Các vật liệu ngoài thị trường chưa cung cấp được nên sinh viên và giảng viên phải tự chế tác, mài gọt các kiểu để có được phần nguyên liệu thích hợp.

"Cái chính yếu là chúng tôi phải tìm cách chuẩn hóa các nguyên vật liệu, để khi đưa vào sử dụng, nếu có bất cứ hư hỏng nào thì người sử dụng cũng đều có thể tự thay thế, sửa chữa được. Và bây giờ nhóm thực hiện đã có thể nói rằng nhóm đã tự chủ, chế tạo được những thiết bị, nguyên liệu như vậy", thầy Dũng cho biết thêm.

Thầy Huỳnh Văn Quang, trưởng khoa Cơ khí, cho biết nhóm sẽ tiếp tục tinh chỉnh kỹ thuật để hoàn thiện, tối ưu hóa sản phẩm xe lăn này, tham gia các cuộc thi để tích lũy thêm kinh nghiệm, cũng như tư vấn từ chuyên gia trong việc thương mại hóa sản phẩm.

“Mong muốn của chúng tôi là tìm kiếm một vài doanh nghiệp để có thể nhân bản sản phẩm mang tính ứng dụng này nhằm phục vụ tốt hơn cho những người tàn tật và cung cấp rộng rãi cho thị trường" - thầy Quang cho biết.

Hà Thế An - Báo Khám phá

Bài gốc