Học sinh lớp 11 chế tạo máy lọc nước, biến nước sông thành “nước máy”

Việc thiếu nước sạch để sử dụng là một trong những vấn đề nan giải của bà con miền Tây. Nhiều người dân vẫn đang phải chấp nhận dùng nước bẩn như một sự hiển nhiên trong sinh hoạt hằng ngày, từ rửa chén, tắm, giặt…đến nấu ăn.

12.PNG

Hai em Phan Lâm Trung Hậu và Bùi Huỳnh Quang Khải – học sinh lớp 12 Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với mong muốn có được 1 thiết bị có thể biến nước từ ao hồ, sông trở thành nước sinh hoạt với giá thành hợp lý, đã chế tạo ra một chiếc máy lọc nước sinh hoạt, thiết bị này còn có thể hô biến nước sông thành nước uống với quy trình vận hành tự động.

Ý tưởng của hai em xuất phát từ thực tế nơi các em sinh sống. Chứng kiến cảnh bà con miền sông nước thiếu nước sạch để sử dụng, nhiều người phải dùng nước sông để tắm giặt, thậm chí dùng để nấu ăn, cả 2 luôn trăn trở. Vào mùa hè năm học lớp 11, hai cậu học trò này đã ấp ủ nghiên cứu và thực hiện hóa ý tưởng của mình từ những kiến thức đã học.

Em Phan Lâm Trung Hậu, Học sinh Trường THPT Vị Thanh, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Bộ thiết bị của em có quy trình hoạt động tự động hoàn toàn, mình không cần phải thao tác tay mà chỉ cần khi hết thuốc mình cho thuốc vào và chiếc máy sẽ xử lý tự động. Máy có chức năng lọc lắng nước, khi dùng bà con chỉ cần mở vòi để lấy nước sinh hoạt đủ tiêu chuẩn mà sử dụng”.

Với thiết kế hoàn toàn tự động, sau khi nước trong bình chứa cạn đến đáy, bộ xử lý trung tâm sẽ kích hoạt máy bơm xử lý cặn và máy bơm sục khí hoạt động để đẩy cặn bả ra ngoài đồng thời kích hoạt máy bơm nước sông vào bình chứa đến khi đầy. Lúc này bộ xử lý trung tâm tiếp tục điều khiển bơm dung dịch PAC là loại thuốc xử lý nước thải tiên tiến thay cho phèn nhôm vào bình chứa.

21.PNG

Sau khi bơm dung dịch, mô tơ cánh đảo sẽ hoạt động, hòa dung dịch trong nước 5 phút liên tục. Người dùng chỉ cần chờ trong 30 hoặc 60 phút sẽ có 200 lít nước sạch sử dụng.

Quyết tâm tạo ra sản phẩm hữu ích người dân, hai em đã mạnh dạn tìm đến những vùng còn thiếu nước sạch như huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang để kiểm nghiệm thực tế. Qua 7 tháng triển khai lắp đặt và sử dụng, với cách sử dụng đơn giản, người dân có thể tự hoàn toàn chủ động trong việc quản lý nguồn nước của chính gia đình mình.

Bà Huỳnh Thị Kiều Oanh, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang phấn khởi nói: “Ban đầu đem lại mình không tin vì nước dưới sông rất dơ. Hai em nói là bơm nước lên thì máy sẽ lọc, tôi vẫn không tin. Nhưng  sau khi gắn máy, thì giờ tôi mới tin, vì nước trong và không có hôi mùi sình, phèn gì hết. Trước kia xài cây nước này bơm lên nó bị hôi sình. Bơm lên khoảng 1-2 tiếng mình mới xài được”.

Không chỉ được người dân đánh giá cao từ cảm nhận thực tế mà thông qua kiểm định từ Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, loại nước này còn đạt 31/31 tiêu chí về chất lượng nước của Bộ Y tế.

Với việc áp dụng công nghệ lọc nước tiên tiến có khả năng loại bỏ các chất hữu cơ tan và không tan cùng các kim loại nặng đồng thời đảm bảo độ PH vừa phải nên chất lượng nước tuyệt đối an toàn trong quá trình sử dụng.

Dù trải qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm và trải qua không ít lần thất bại, nhưng hai em không hề nản lòng. Cùng với sự hướng dẫn của thầy, giờ đây bộ thiết bị tự động lọc này đã có thể giải quyết nỗi lo về việc thiếu nước sạch sinh hoạt người dân vùng quê.

Mặt khác, với việc mạnh dạn áp dụng các tấm pin năng lượng mặt trời tự quay theo hướng của ánh sáng mặt trời là một nỗ lực đáng ghi nhận của hai em.

Với hy vọng mong muốn “bộ thiết bị tự động lọc nước ao, hồ, sông thành nước sinh hoạt bằng năng lượng xanh” sẽ được sản xuất đại trà, giá thành rẻ hơn phục vụ người dân, giúp giải quyết cơn khát nước sạch của hàng ngàn người dân ĐBSCL, hiện hai em đang nỗ lực nâng cao công suất cũng như hiệu suất hoạt động của các chi tiết trên thiết bị.

Như Quỳnh - Saigontv.news

Bài gốc