Máy 'ăn' cà phê tự động giúp nhà nông bớt khổ
Với kiến thức đã tích lũy được khi học tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, anh Võ Tá Quyền đã sáng tạo ra chiếc máy hút trái cà phê đưa lên cối xay thay sức người.
Chiếc máy tiện dụng này của anh Quyền (thôn 2, thị trấn Iakha - Iagrai, Gia Lai) giúp những người trồng cà phê bớt cực nhọc vì không phải mang vác hàng trăm bao đầy trái cà phê lên phễu của máy xay (chà) vỏ, với độ cao khoảng 2,5 - 3m.
Theo đó, sau khi phơi khô nguyên trái cà phê thì không phải đóng bao như trước đây, chỉ cần gom, cào hạt cà phê thành đống trùm lên đuôi máy, “cửa ăn” sẽ hút, chuyển lên phễu máy xay. Quá trình hoàn toàn tự động, không tốn sức người.
Một số vật liệu chính để tạo ra chiếc máy hút trái cà phê gồm: mô tơ điện, ống dẫn nguyên liệu, trục truyền động đồng thời là trục vít vận chuyển cà phê nguyên trái từ mặt sân phơi lên phễu máy chà vỏ...
Về động cơ, theo anh Võ Tá Quyền, mô tơ điện là lựa chọn ưu tiên vì gọn gàng, ít gây tiếng ồn, thích hợp cho sân phơi hợp tác và các nông hộ có diện tích lớn, sân phơi riêng, ở gần nguồn điện. Kế là động cơ xăng, phù hợp với cà phê phơi trên lưới, bạt ngoài đồng và xa nguồn điện. Trong tổ hợp với máy xay vỏ cà phê trên địa bàn sản xuất hiện hữu, cả hai loại động cơ là phù hợp và đều, chỉ cần công suất nhỏ, chi phí thấp nhưng năng suất đạt được cao.
Ống dẫn trái cà phê và hút lên cao được làm bằng ống kim loại hình trụ tròn, tráng kẽm, ít phải chế tác mà sử dụng được lâu bền. Đầu ống phía trên có gia cố bệ đỡ gắn mô tơ (hay máy xăng) và có cửa ngang kết nối với máng, để đưa cà phê vào phễu máy xay vỏ quả. Đầu dưới của ống hút gắn trên giá đỡ nằm sát mặt sân phơi, có chế tạo “cửa ăn” trái cà phê kiểu phễu hứng, có van kiểu thanh kéo có thể điều chỉnh lượng trái cà phê nạp vào ống.
Ngoài ra, chân máy còn được gắn hai bánh xe để dễ dàng di chuyển. Trục truyền động là bộ phận quan trọng của máy có nhiệm vụ đưa trái cà phê lên cao theo ống dẫn nguyên liệu. Trục truyền động đồng thời là phương tiện đưa trái cà phê lên phễu bằng phương pháp “trục vít” sẽ hoạt động ở vị trí “chính tâm” trong lòng ống. Đây là việc khó và quan trọng cần được tính toán, đo đạc, thi công đúng để làm sao trái cà phê không bị mắc kẹt trong khi máy hoạt động.
Tác giả bố trí tại hai đầu trục truyền động liên kết với ống hút bằng hai đai chịu lực và có vòng bi ở tâm, ăn khớp với trục, đảm bảo cho trục truyền động hoạt động có tải ổn định ở vị trí chính tâm và ổn định. Ở vào cuối chu trình chuyển động theo nguyên lý “trục vít vô tận”, cà phê được đổ vào máng dẫn đến phễu nạp nguyên liệu của máy chà vỏ.
Hiện máy đang chạy tại vườn cà phê của anh Quyền, sau khi quan sát thử nghiệm máy chạy có tải, máy hút trái cà phê đưa lên cối xay của anh Quyền được đánh giá đạt yêu cầu, hoạt động an toàn, hình thức phù hợp.
Về định hướng trong thời gian tới, anh Quyền cho biết nếu có điều kiện sẽ tiếp tục chế tạo đại trà để bán cho nông dân với giá rẻ nhất, thay thế nhân công trong một khâu công việc vốn đang khan hiếm và giá cao, để cho bà con nông dân đỡ cực nhọc.
Mai Dung - Báo Khám phá