Sắp diễn ra Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018

Với thông điệp "Mở đường cho năng lượng tái tạo đến từng gia đình Việt", Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam lần thứ 3, sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 26/8/2018 tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ.

Tuần lễ này được Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức thường niên, do VSEA khởi xướng vào năm 2016. 

Năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân và hiện đại hóa phương pháp sản xuất nông nghiệp.

Năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân và hiện đại hóa phương pháp sản xuất nông nghiệp.

Theo Ban tổ chức, với sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước về năng lượng tái tạo, Tuần lễ năm nay sẽ tập trung vào thảo luận về các giải pháp tháo gỡ rào cản, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam. 

Nằm trong Chương trình của Tuần lễ, hàng loạt các sự kiện sẽ được VSEA và CCWG tổ chức liên tục tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, bao gồm: hội thảo, tọa đàm, triển lãm và các sự kiện song song bên lề.

Trong đó, ngày 23/8 tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm: Nhìn lại một năm thực hiện quyết định 11 và thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Tọa đàm này sẽ tập trung chia sẻ các ý kiến đề xuất chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, Ban tổ chức sẽ giới thiệu Chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng”. Đây là Chương trình hướng tới huy động sự tham gia và nguồn đầu tư từ khối tư nhân và toàn xã hội để thúc đẩy chuyển dịch sang năng lượng sạch, khai thác lợi ích của điện mặt trời mái nhà, xây dựng lối sống xanh, văn minh, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu. 

Theo Ban tổ chức, nhóm hưởng lợi của chương trình này gồm: người dân; nhà đầu tư, nhà cung cấp: cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp và tổ chức xã hội khác. Chương trình được kỳ vọng, sẽ đạt được quy mô áp dụng ít nhất một triệu ngôi nhà xanh cho Việt Nam vào năm 2030. 

Theo cơ quan điều phối của VSEA, năng lượng tái tạo đã giúp đẩy mạnh kinh tế của các vùng nông thôn và khu vực kém phát triển ở nhiều quốc gia từ Đức cho tới Ấn Độ, Trung Quốc và Băng-la-đét. Do đó, đơn vị này tin chắc rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn ở Việt Nam bởi lẽ nó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân và hiện đại hóa phương pháp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh lợi ích kinh tế cho vùng nông thôn, năng lượng tái tạo còn là nguồn năng lượng nội địa có thể giúp Việt Nam chủ động hơn về nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu, than và khí gas trên thị trường quốc tế. Năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm chi tiêu cho nhập khẩu về dài hạn và tăng thêm lợi thế cho nền kinh tế cũng như giảm phát thải cho Việt Nam.

Vân Ly