TP.HCM: Hỗ trợ, tư vấn thiết kế sử dụng điện mặt trời nối lưới cho các tòa nhà
Từ nay đến hết năm 2018, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ hỗ trợ tư vấn thiết kế, đánh giá tiềm năng ứng dụng điện mặt trời cho các tòa nhà tại TPHCM.
Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình Phát triển điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM do World Bank thực hiện, thành phố có tiềm năng rất lớn trong phát triển điện mặt trời với hơn 316 nghìn mái nhà có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Ông Nguyễn Hoàng Gia - Phòng Giải pháp năng lượng và năng lượng mới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TPHCM - cho biết, Trung tâm được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM giao triển khai nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ giải pháp điện mặt trời nối lưới cho các đối tượng trên địa bàn thành phố như: tòa nhà công sở, bệnh viện, hộ gia đình, doanh nghiệp,...
"Chương trình này hỗ trợ chủ yếu cho các tòa nhà về tư vấn thiết kế, lập báo cáo sơ bộ đánh giá tiềm năng ứng dụng điện mặt trời, lựa chọn loại thiết bị nào phù hợp khi sử dụng điện mặt trời nối lưới. Khi sử dụng điện mặt trời nối lưới, người dùng có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện với giá 2.086 đồng/kWh" - theo ông Gia.
Với mục tiêu phát triển điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/2015/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, TPHCM đạt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới đạt từ 1 - 1,74% tổng công suất tiêu thụ toàn thành phố và tập trung phát triển năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.