Học sinh trường làng chế 'xe hơi' điện đa năng cho người khuyết tật
Lê Thiên Ân, học sinh trường THCS Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em. Từ nhỏ, Ân đã bộc lộ được khả năng đam mê sáng tạo khoa học của mình. Năm lớp 6, em đã sáng chế ra chiếc xe điều khiển để giải trí mỗi ngày. Từ năm lớp 7, lớp 8, Ân tiếp tục làm ra nhiều các mô hình sản phẩm đồ chơi như máy bay điều khiển, xe mô tô chạy bằng điện, bè cho cá ăn chạy bằng điện.
Cậu học sinh học giỏi, sáng tạo hay
Hai năm trước, Ân đã chế ra “chiếc xe ô tô điện đa năng dành cho người khuyết tật”. Với sản phẩm này, Ân giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện 2017 và giải Khuyến Khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
Anh Lê Thanh Châu (38 tuổi, bố của Ân) cho biết, ngay từ nhỏ, cậu con trai này đã bộc lộ niềm đam mê sáng tạo khoa học. Tuy nhiên, vì lo sợ con mình ham chơi mà bỏ bê việc học nên gia đình nhiều lần cấm cản.
“Ân rất đam mê khoa học, khi chưa làm được cái gì thì nhất quyết chưa chịu đi ngủ. Thời gian đầu, gia đình chúng tôi phản đối Ân làm chiếc ô tô. Lúc ấy, Ân lén bố mẹ để làm, sau đó chúng tôi thấy nó đam mê quá nên dần dần ủng hộ, tạo điều kiện cho con”, anh Châu trải lòng.
Học sinh trường làng chế tạo ô tô điện đa năng
Để thỏa niềm đam mê, đầu năm lớp 8, Ân nghiên cứu và tiến hành làm ra chiếc ô tô điện đa năng thân thiện với môi trường.
“Chiếc ô tô từ các vật liệu chủ yếu bằng gỗ gia công, tận dụng lại một số đồ phế liệu để giảm bớt chi phí. Xe có hai bộ phận chính, đó là chuyển động bằng mô tơ và hệ thống lái. Sở dĩ gọi là ô tô điện đa năng bởi chiếc ô tô này có thể cắt cỏ, chà đường, phục vụ cho người khuyết tật đi lại”, Ân cho hay.
Người dùng chỉ cần mở khóa khởi động xe, muốn chạy tới thì gạt cần số tới, nhấn gas, còn muốn chạy lùi thì gạt cần số lùi nhấn gas. Gần vô lăng có hai công tắc, một cái dành cho đèn pha, một cái cho đèn xi nhan.
Ngoài ra, còn có thêm hai công tắc của phần đa năng, một cái điều chỉnh lên xuống phần cắt cỏ và phần chà đường, còn lại làm cho động cơ hoạt động. Khi người khuyết tật dùng để di chuyển, xe có thể tháo ra được phần cắt cỏ.
Sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tế ở địa phương để cắt cỏ ở sân bóng đá, các công viên, vệ sinh các con đường.
Chưa hết, Ân tiếp tục mày mò và tìm mua linh kiện qua mạng để tạo ra chiếc xe ô tô có khung bằng gỗ với động cơ chạy được bằng điện. Tất cả các bước điều được em mày mò tài liệu qua mạng, em đã mất 3 tuần để chế ra chiếc xe ô tô có khung bằng gỗ và động cơ chạy bằng điện. Chi phí để hoàn thành sản phẩm này khoảng hơn 5 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, vật liệu để làm ra chiếc xe chủ yếu được tận dụng từ những thanh gỗ mà bố em bỏ đi trong xưởng gỗ. Động cơ của chiếc xe được lắp vào một bình ắc quy điện, còn về kinh phí đều được bố mẹ em hỗ trợ hoàn toàn.
“Nguyên lý hoạt động của chiếc xe nhờ vào bình ắc quy điện, chiếc xe này có thể chạy được khoảng 20km khi sạc đầy bình điện và có thể chở được thêm một người. Những kiến thức chế tạo ô tô và các sản phẩm của mình đều do em tự mày mò và tìm học trên internet. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì em gặp rất nhiều khó khăn và phải tháo ra lắp vào nhiều lần những chi tiết thiết kế, tính toán chưa phù hợp”, Ân tiết lộ.
Bằng niềm đam mê sáng tạo của mình, Ân còn mày mò tạo ra nhiều loại xe khác nhau với khung xe là vật liệu gỗ, động cơ chạy bằng bình ắc quy điện.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Ân cho hay: “Sau này, nếu có cơ hội em sẽ cố gắng phát triển niềm đam mê sáng tạo khoa học của mình. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một nhà sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ”.
Nói về cậu học trò của trường mình, thầy Võ Văn Cần - Phó Hiệu trưởng trường THCS Vinh Thanh, tự hào chia sẻ: “Lê Thiên Ân là học sinh giỏi của trường và có nhiều sáng tạo thực tế hay. Ân đã tham dự cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp và đã đạt được thành quả như mong đợi”.
Dù vẻ ngoài hơi trầm tính nhưng khi nói chuyện về sáng tạo khoa học, Ân trò chuyện rất hào hứng như tỏa ra ngọn lửa đam mê khoa học cháy bỏng. Thời gian tới, câu học trò này hứa hẹn sẽ còn thực hiện nhiều đề tài hữu ích, có tính ứng dụng cao để thỏa mãn đam mê sáng tạo khoa học .
Nhật Tuấn (Theo Tạp chí Khám phá)