Sinh viên chế robot chăm sóc sức khỏe cây xanh
Sau khi nghe một chương trình phát thanh nói về công việc vất vả và đòi hỏi rất nhiều công sức của các nhà nghiên cứu bệnh học rừng – chủ yếu là các bác sỹ chăm sóc cây xanh – Maksim Mikhailov đã nảy sinh một ý tưởng độc đáo: Sáng tạo ra một con robot giúp các nhà bệnh học cây xanh thu thập thông tin dữ liệu cần thiết để chăm sóc rừng tốt hơn, giải phóng một phần sức lực cho họ.
Mikhailov năm nay 16 tuổi, đang theo học tại Đại học ITMO, trường đại học đào tạo về khoa học và công nghệ nổi tiếng tại St. Peterburg, Nga. Là thành viên của Phòng thí nghiệm Robot Cho Thanh niên (Youth Robotics Lab) của trường, Mikhailov có đầy đủ các điều kiện lý tưởng để đưa ý tưởng của cậu vào cuộc sống. Với sự hỗ trợ và phối hợp nhiệt thành của cả nhóm nghiên cứu về dự án này, robot của nhóm đã giành được huy chương vàng tại hội thi World Robot Olympiad năm ngoái.
Được đặt tên là Forester, con robot này hoạt động theo cơ chế thu thập và lưu trữ thông tin về vị trí của các loại cây ở trong một khu rừng, xác định chủng loại cây, tính toán độ bao phủ của thân cây, và thậm chí là xác định xem cây đó có khỏe mạnh hay không. Hầu hết công việc của robot Forester là vào khám phá các khu rừng và gõ vào các cây xanh. Đây là cách áp dụng vào robot kỹ thuật mà các chuyên gia cây xanh vẫn thường sử dụng, được gọi là kỹ thuật “gõ để nghe bệnh”, nhằm giúp họ xác định sức khỏe của cây.
“Con robot này gõ vào cây và các microphone của nó ghi lại âm thanh nghe được. Do những cây đang bị bệnh có các lỗ hổng trong thân hoặc mật độ gỗ thấp trong thân, nên những cây đó sẽ phát ra âm thanh có tần số thấp hơn so với những cây khỏe mạnh”, Mikhailov giải thích.
Robot Forester sử dụng một thuật toán nhằm phân tích các âm thanh thu được để xác định xem âm thanh đó được phát ra từ một cây khỏe mạnh hay đang mắc bệnh.
Robot Forester cũng chụp ảnh loại cây mà nó đến gõ và đưa hình ảnh đó vào một mạng nơ ron nhân tạo (neural network), giúp xác định được 12 chủng loại cây khác nhau với độ chính xác trên 90%.
Ông Lee Dean, chuyên gia về trồng cây tại đại học Cornell, cho biết phát minh của Mikhailov là “một ý tưởng tuyệt vời”, đồng thời cũng nói rằng “các cây xanh là một hệ thống sống và luôn luôn động”. Ông xác định con robot này là một công cụ cho các chuyên gia trồng cây, chứ không phải là một giải pháp tự động làm cho công việc của các chuyên gia này trở nên vô nghĩa. “Đánh giá nguy cơ đối với cây xanh là một công việc có thể thay đổi, chứ không thể xác định số lượng. Forester chỉ ra nhiều dấu hiệu về sức khỏe cây xanh, nhưng không chẩn đoán bệnh”.
Nhận định này cũng giống với quan điểm của Mikhailov về chú robot Forester. “Tuy chú robot này có thể thu thập được thông tin về các loại cây, nhưng nó không thể phân tích các thông tin đó để xác định xem cần phải làm gì để bảo vệ cây xanh và rừng”, cậu nói.
Nhiệm vụ đó thuộc về các chuyên gia là con người, mà công việc của các vị chuyên gia đó sẽ trở nên đơn giản hơn, nhờ các thông tin do robot Forester đã thu thập được. Ít nhất, hiện nay, công việc của các chuyên gia cây xanh chắc chắn không còn hoàn toàn tự động hóa.
Phước Anh (Theo Businessinsider)