Nhà sáng chế 'chân đất' dành 16 năm chế tạo máy làm giá đỗ

Chỉ học hết cấp hai, không qua lớp đào tạo nào, anh Nguyễn Văn Quang, Hà Nội sáng chế ra hệ thống máy làm hàng tấn giá đỗ tự động mỗi ngày.

Nhà sáng chế không chuyên Nguyễn Văn Quang.

Nhà sáng chế không chuyên Nguyễn Văn Quang.

Quyết tâm sáng chế vì thương vợ

"Nhờ có anh mà khớp tay tôi đã không còn đau, da tay cũng không bị viêm nữa", chị Hoài quay lại nhìn chồng với ánh mắt tự hào. Anh Quang nhìn lại vợ rồi cười lớn: "Rồi sắp tới em sẽ không còn phải ngồi dán nhãn, đóng gói nữa cơ".

Trước đây, anh Nguyễn Văn Quang (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) dành cả tuổi trẻ của mình cho nghề vẽ gốm ở Bát Tràng. Anh chỉ bắt đầu biết đến nghề làm giá đỗ cho đến khi lấy vợ. Gia đình chị Hoài - vợ anh đã có 5 đời làm giá đỗ gia truyền ở đất Gia Lâm. Cưới chị, anh Quang quyết định bỏ hẳn nghề vẽ gốm chuyển sang tiếp quản nghề làm giá đỗ cùng vợ.

Anh Quang nhớ về những ngày cả hai vợ chồng chỉ được ngủ vài tiếng, cả ngày cả đêm đều quay cuồng với giá. Toàn bộ công đoạn làm giá khi đó đều thủ công. Tay chị Hoài vì tiếp xúc với nước quá nhiều khiến da bong tróc toàn bộ và ngày càng bị ăn mòn. Lưng chị mỗi lần đứng dậy như muốn đau rời xương sống, khớp tay sưng u lên vì sàng giá quá nhiều. Xót vợ, anh Quang nghĩ nếu cứ làm thủ công như thế này thì không ổn. Những ý tưởng sáng chế ra máy làm giá dần le lói.

Hệ thống máy làm giá tự động.

Hệ thống máy làm giá tự động.

Năm 2004, anh Quang có sản phẩm đầu tiên đó là máy ngắt nước. Cứ thế, mỗi khi thấy vợ vất vả ở khâu nào, anh Quang lại ấp ủ ý định sáng chế máy cho khâu đó. 

Dần dần, hàng loạt các máy móc ra đời: máy vò hạt năm 2006, máy rửa hạt năm 2008, máy lật nồi, tưới và ủ giá năm 2013, hệ thống lọc nước và máy sàng giá năm 2015. Ngoài ra, anh Quang lắp đặt thêm điều hoà, bóng đèn sưởi, hệ thống tưới nước để luôn đảm bảo nhiệt độ lý tưởng cho giá phát triển.

Hiện nay, công việc làm giá đỗ đã nhàn đi nhiều vì có máy móc lo hết, duy còn công đoạn dán nhãn và đóng gói. Mỗi lần nhìn chị Hoài ngồi đóng từng gói giá 3 lạng trong khi năng suất mỗi ngày là 3 tạ tốn công sức quá, anh Quang tuyên bố: "Tôi phải sáng chế đến khi nào hoàn thiện toàn bộ máy móc, con người không phải làm gì nữa mới thôi". Thế là anh tiếp tục lôi sách vở, máy móc ra nghiên cứu. 

Nồi ủ giá sau khi sử dụng được rửa sạch và phơi khô.

Nồi ủ giá sau khi sử dụng được rửa sạch và phơi khô.

Anh Quang bắt đầu đăng ký giấy phép kinh doanh và cơ sở sản xuất giá của anh được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đầu năm 2019, toàn bộ công trình nghiên cứu của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận là sản phẩm phát minh sáng chế, anh sẽ được cấp bằng sáng chế trong hai năm tới.

Bỏ tiền tỷ thu tiền hào

Là người không chuyên về cơ khí, để chế tạo được máy làm giá đỗ tự động, cách duy nhất mà anh Quang làm là tự mày mò học hỏi. Anh không thể nhớ nổi mình đã thất bại bao nhiêu lần.

Giá đỗ thành phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Anh Quang chia sẻ, giá sạch có màu trắng ngà, vỏ đỗ màu xanh mướt, dễ dài và đều.

Giá đỗ thành phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Anh Quang chia sẻ, giá sạch có màu trắng ngà, vỏ đỗ màu xanh mướt, dễ dài và đều.

Anh Quang kể, lần anh chế ra máy lật nồi và tưới giá, nghĩ là không còn sai sót chỗ nào nữa nên bật máy cho chạy thử nghiệm. Cái máy kêu ò ò bắt đầu chầm chậm quay, vừa được vài giây thì đỗ và nước văng tung toé khắp nhà không kiểm soát được. Anh Quang hụt hẫng, thất vọng không nói thành lời.

Để đảm bảo rau giá sạch, anh Quang thiết kế một hệ thống lọc nước. Mỗi năm anh đầu tư 5 tạ than hoạt tính, với giá 30.000 đồng/kg cho vào bể lọc để loại bỏ các độc tố trong nước. Bởi vậy mà giá đỗ nhà anh ngon ngọt hơn so với những loại thông thường.

Trả lời câu hỏi đầu tư vào máy móc mất bao nhiêu tiền, anh Quang cười: "Không đếm chính xác được, lúc thì vài chục triệu, lúc thì vài trăm triệu, nếu tính cả thì anh vứt vào nó tiền tỷ rồi".

Đỗ để làm giá được nhập khẩu từ châu Phi với giá 30.000 đồng/kg.

Đỗ để làm giá được nhập khẩu từ châu Phi với giá 30.000 đồng/kg.

Chưa hết "lao tâm khổ tứ" vì máy móc, ngay khi chúng đi vào hoạt động trơn tru cho ra năng suất cả tấn giá mỗi ngày, anh Quang mắc vào nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Anh chia sẻ, sản xuất bằng máy móc hiện đại nên chi phí cao hơn rất nhiều. Vì vậy giá bán ra phải cao hơn giá thị trường nếu không thì lỗ to. Một cân giá sau khi đã sàng sẩy sạch sẽ anh bán với giá 15.000 đồng/kg, cao hơn 4 giá so với ngoài chợ. "Khi tôi mang hàng đi chào bán, giải thích cặn kẽ là được sản xuất theo quỳ trình sạch sẽ, đảm bảo không có thuốc kích thích, nhưng khi nghe giá bán cao hơn vài nghìn là họ phẩy tay đi hết", anh Quang nói. 

Mỗi một cân giá sau khi trừ các chi phí anh lãi được 5.000 đồng, nhưng nếu khách trả xuống 10.000 đồng/kg thì coi như hoà vốn hoặc lỗ. Nhiều lúc khách trả rẻ anh vẫn phải bán vì không còn cách nào khác.

Vì muốn nhân rộng mô hình sản xuất giá sạch, anh Quang đi thuyết phục những người đang làm giá thủ công làm theo công nghệ của mình. Có người nói với anh: "Tôi bán giá đỗ 9.000 đồng/kg nếu đầu tư máy móc thì bao giờ mới thu lại được. Mà người dân họ có quan tâm gì đến sạch hay là không sạch đâu, cứ vẩy vài giọt thuốc vào là xong, đỡ phải đầu tư nhà xưởng, xử lý môi trường, xử lý nguồn nước". Người này còn mách thêm: "Nhiều người nghĩ giá sạch là thân còi và nhiều rễ, muốn thế chỉ cần cho bớt thuốc đi là được ngay".

Với niềm đam mê sáng chế và sự yêu nghề, anh Quang vẫn phấn đấu từng ngày để đưa giá đỗ sạch ra thị trường. Anh nói: "Tôi không muốn công suất chỉ dừng lại vài tạ, mà phải là một vài tấn, và muốn tất cả người dân Hà Nội đều được ăn giá sạch mỗi ngày".

Theo Lại Tuyến (Vnexpress)