Nhóm học sinh lớp 11 chế tạo gạch xây dựng từ nhựa thải
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhóm học sinh lớp 11, Trường THPT Cao Thắng, TP Huế, đã chế tạo thành công sản phẩm “gạch-nhựa” đạt chất lượng, mẫu mã ngang bằng với gạch block thông thường.
Việc tận dụng các loại nhựa thải để sản xuất gạch block không những hạn chế được nguồn rác thải mà còn hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động như hiện nay.
Tại hội thảo Đối thoại chính sách về quản lý rác thải với chủ đề “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” được tổ chức tại TP Huế vào dịp cuối tháng 2-2018, chúng tôi tình cờ gặp nhóm 6 học sinh, gồm: Nguyễn Trần Tiến, Trần Thị Kiều Trang, Phan Quốc Huy, Võ Thị Mỹ Trâm, Trần Lê Anh Đức, Nguyễn Thái Minh Quang (cùng học lớp 11, Trường THPT Cao Thắng) khi các em đang giới thiệu đến đại biểu những mẫu sản phẩm “gạch- nhựa” do chính các em sáng tạo nên.
Em Nguyễn Trần Tiến cho biết, nhận thấy ngày càng có nhiều loại rác thải nhựa được thải ra môi trường từ gia đình, các công ty xây dựng; hoặc tại các tiệm cà phê, quán giải khát… nên em cùng với nhóm bạn ấp ủ đề tài làm “gạch- nhựa”.
Tháng 10-2018, dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thầy cô giáo và được gia đình tạo điều kiện, Tiến cùng các bạn bắt tay vào việc nhặt các loại nhựa thải và mua nguyên liệu để thực hiện đề tài.
“Từ ý tưởng ban đầu đến quá trình thực hiện làm nên sản phẩm là một chặng đường dài. Tuy nhiên nhờ sự phối hợp và sáng tạo giữa các thành viên trong nhóm nên hơn 3 tháng sau, đến đầu năm 2019 thì chúng em hoàn thiện sản phẩm “gạch- nhựa” với 5 mẫu đạt chất lượng”, Tiến chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, 5 mẫu “gạch- nhựa” được nhóm học sinh Trường THPT Cao Thắng chế tạo có những thông số kỹ thuật khác nhau. Như với mẫu có 0,85kg xi măng, 300gram nhựa và 7,5kg cát, nước, các em đã làm nên sản phẩm “gạch nhựa” block đặc khối lượng 9,8kg, có kích thước 100x185x280mm. Hoặc với lượng xi măng trên, lượng nhựa tăng lên 600gram, cát giảm còn 6kg và nước thì Tiến cùng các bạn trong nhóm đã chế tạo nên sản phẩm gạch block tương tự với trọng lượng 9,4kg…
Các mẫu sản phẩm gạch này đã được một công ty chuyên sản xuất gạch block có uy tín tại tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức thí nghiệm, kiểm tra, qua đó cho thấy các mẫu sản phẩm đều đạt chất lượng về cường độ chịu nén, lực phá hoại, cường độ trung bình (MPA)… theo tiêu chuẩn phương pháp thí nghiệm TCVN 6477-2016.
Cầm viên gạch block đặc trên tay, em Trần Thị Kiều Trang cho hay: “Với mỗi mẫu sản phẩm từ 1 đến 5, nhóm em đều giữ nguyên lượng xi măng nhưng sẽ tăng lượng nhựa, giảm lượng cát để thử độ bền và chất lượng của sản phẩm. Và nếu phương pháp làm “gạch- nhựa” được 100 cơ sở sản xuất gạch block trên địa bàn TP Huế sử dụng thì sẽ có 3.260 tấn nhựa thải được tận dụng tiêu thụ, giảm được hàng ngàn khối cát, qua đó sẽ hạn chế được lượng lớn rác thải bằng nhựa vứt ra môi trường”.
Thầy giáo Huỳnh Nguyễn Xuân Long, giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện đề tài, nhận định rằng, ngoài có chất lượng không thua gì gạch block thông thường, sản phẩm “gạch-nhựa” còn nhiều tính ưu việt như giảm lượng cát, tận dụng được nguồn rác thải nhựa.
Với tính ứng dụng cao trong thực tiễn nên nhà trường luôn mong muốn sản phẩm này sẽ được các nhà khoa học nghiên cứu, hoàn thiện ở cấp cao hơn để được đưa vào sử dụng làm vật liệu xây dựng…
Với sự sáng tạo và tính khoa học ứng dụng cao, đề tài “gạch-nhựa” của nhóm học sinh trường THPT Cao Thắng đã đạt giải Ba, lĩnh vực Kỹ thuật – môi trường, cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào đầu tháng 1-2019.
Anh Khoa - CAND