Người nông dân cải tiến máy xẻ gỗ đạt giải toàn quốc
Anh Trương Văn Thủy ở thôn Còi Mò, xã Tân Tiến (Bạch Thông) đã cải tiến và thay toàn bộ dàn mặt phẳng của máy xẻ gỗ CD đứng để có thể xẻ và bào ưu việt hơn. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật này đã đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 năm 2016-2017.
Năm 1997, anh Trương Văn Thủy rời quê hương Thái Nguyên lên Bắc Kạn làm kinh tế và lập gia đình tại thôn Còi Mò, xã Tân Tiến (Bạch Thông). Những năm đầu, cuộc sống mưu sinh vất vả với mấy bung ruộng. Sau đó, do yêu thích nghề mộc nên anh Thủy quyết định tự mày mò học hỏi qua bạn bè để lập nghiệp.
Năm 2008, với nguồn vốn vay ngân hàng, anh Thủy đã lập xưởng mộc. Nhiều thất bại, hao tốn hàng trăm triệu đồng bởi thiếu kinh nghiệm, nhưng không nản chí, anh Thủy chú ý rèn luyện tay nghề, tính toán sát nhu cầu thị trường nên công việc của xưởng gỗ đã phát triển thuận lợi hơn. Hiện bình quân mỗi năm xưởng cho nguồn thu khoảng 300 triệu đồng.
Sản xuất ngày một ổn định, năm 2017, anh Trương Văn Thủy bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi để cải tiến máy móc nhằm nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Sau 3 tháng miệt mài, người thợ tài hoa này đã cải tiến thành công và hiệu quả công năng của máy xẻ gỗ CD đứng- vốn chỉ xẻ gỗ tròn ra thành phẩm thì nay đã có thêm rất nhiều tính năng với độ an toàn rất cao trong sử dụng, như: có thể dọc bào cái cửa, ken cái cửa, dạo cánh tủ, ghép ván, dọc thẳm, cắt độ chéo, độ dài tùy ý…
Tính mới, tính sáng tạo của sáng kiến cải tiến là anh Thủy đã thay bằng một đường ray xây bằng gạch, đổ bê tông khối cố định, mặt trên khối gắn chặt 2 thanh sắt nằm ngang song song với nhau để tạo thành đường ray di chuyển dàn sắt và giữ gỗ.
Dàn được gắn 4 bánh sắt trượt trên đường ray khi di chuyển dàn để đặt và giữ thanh gỗ cố định song song với dàn. Cải tiến đã giúp thanh gỗ vừa được xẻ, vừa được bào thẳm cùng một lúc nên đã giảm chi phí thời gian, công lao động.
Thanh gỗ được bào đạt được độ bằng, phẳng gần như tuyệt đối nên khi gép các thanh gỗ để thành hàng hóa các mạch ghép gần như khép kín nên nâng cao chất lượng, mỹ quan hàng hóa.
Anh Trương Văn Thủy cho biết: Chi phí cải tiến mỗi máy chỉ mất 4 triệu đồng. Sau cải tiến, năng suất lao động tăng, trước đây 2 thợ giỏi chỉ sản xuất được 40 sản phẩm/ngày, còn dùng máy cải tiến sản xuất được 300 sản phẩm/ngày. Đặc biệt chất lượng sản phẩm được nâng cao và đảm bảo độ an toàn cao trong sử dụng.
Việc cải tiến máy đã giúp cho xưởng gỗ của gia đình anh Thủy giảm được nhân công từ 16 người xuống chỉ còn 4 lao động; giúp cho người lao động giảm bớt công, tăng số lượng sản phẩm mỗi ngày, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng/người, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, xưởng gỗ của gia đình anh Trương Văn Thủy đang hoạt động hiệu quả với nhiều đơn hàng xuất đi trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng xưởng tiêu thụ khoảng 20 mét khối gỗ và giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương.
Còn nhiều dự định phát triển sản xuất và nung nấu những sáng kiến cải tiến mới, tuy nhiên hiện anh Thủy vẫn còn gặp một số khó khăn về vốn. Anh Thủy mong được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để tiếp tục cống hiến và sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thu Thảo - Báo Bắc Kạn