Người đam mê sáng chế trên đỉnh Thin Thượng

Giữa mênh mông núi rừng, trên đỉnh núi Thin Thượng, xã Ngọc Động (Thông Nông) có anh Vương Hùng Nam - một tấm gương điển hình về giỏi cải tiến, sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp như máy bóc lạc, máy thái thức ăn gia súc... Nhờ những cải tiến của anh, nhiều hộ nông dân trong khu vực đã giảm thiểu sức lao động, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

DSC_0722 (600 x 402).jpg

Con đường đi đến nhà anh cách trung tâm xã chừng 5 km. Đường lên Thin Thượng đã được bê tông với chiều rộng 50 - 60 cm chỉ đủ cho chiếc xe máy len lỏi, có độ dốc thẳng đứng, cheo leo.

Thin Thượng là xóm vùng cao có 18 hộ dân tộc Nùng sinh sống. Đời sống KT - XH của xóm chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.  Ngôi nhà anh Vương Hùng Nam nằm ở cuối xóm là ngôi nhà sàn đã được xây dựng khá lâu. Ngồi bên bếp lửa ấm cúng, anh chia sẻ, sau khi học hết lớp 5, anh đã nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.

Năm 1998, vào tỉnh Đắc Lắc để tìm việc làm thấy người dân trong đấy có máy bóc lạc rất tiện ích, đỡ vất vả cho nông dân. Nhận thấy lợi ích của máy bóc lạc, anh dùng điện thoại chụp ảnh lưu lại. Trở lại quê hương lập gia đình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng lạc, gia đình anh cũng như bà con trong xóm quanh năm luôn gắn bó cây lạc.

Tuy nhiên, mỗi lần muốn có lạc để đem ra chợ phiên bán, những hộ gia đình trong xóm thường phải tách vỏ lạc suốt đêm, vừa vất vả lại mất nhiều thời gian. Sau khi thấy máy tách vỏ lạc của đồng bào Tây Nguyên, anh đã nảy ra ý tưởng làm máy tách vỏ lạc.

Mày mò làm từng chi tiết máy, mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới như lắp đặt động cơ điện cho máy tách vỏ lạc... nhưng không thành công, anh đã tìm ra chế độ vận hành phù hợp và cuối cùng cũng chế tạo thành công máy bóc lạc.

Anh Nam tâm sự: Cứ tưởng lắp động cơ điện cho máy sẽ tăng năng suất, tuy nhiên, vì động cơ cho máy quay với tốc độ cao nên lạc hay bị tróc vỏ, không đảm bảo chất lượng. Tôi đã thay thế động cơ điện bằng cơ chế quay tay.

Máy tách vỏ lạc của anh Vương Hùng Nam chế tạo hoàn toàn từ chất liệu gỗ. Máy có hình dáng gọn nhẹ được thiết kế theo kiểu dáng máy tuốt lúa thủ công nên rất dễ di chuyển, gồm có phần khung có 4 chân vững chắc, cao 50 cm, dài 60 cm, rộng 40 cm.

Máy thiết kế gồm: Chiếc lu có tay quay thủ công, trên cùng có rãnh để đưa lạc vào máy. Khi người sử dụng bỏ lạc nguyên vỏ vào máy, dùng tay quay để ép lạc vỏ vào thành máy và tách vỏ. Quá trình thực hiện lạc tách khỏi vỏ nhưng không ảnh hưởng đến hạt lạc, hạt không bị xước, dập.

Công suất của máy cho hiệu quả cao gấp 20 lần theo cách bóc thủ công. Bình thường nếu để bóc bằng tay 1 kg lạc vỏ phải mất 2 giờ, nhưng khi sử dụng máy 1 giờ có thể bóc tách được 10 kg lạc vỏ.

Ban đầu, anh làm chỉ để gia đình sử dụng. Không cần quảng cáo, nhận thấy máy sử dụng hiệu quả nên bà con trong vùng đến đặt mua. Hiện nay, 1 chiếc máy bóc lạc của anh có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng và đã có mặt tại 11/11 xã, thị trấn huyện Thông Nông; một số xã khác của Hòa An, Nguyên Bình cũng đến đặt mua.

Ngoài máy bóc lạc, anh Nam còn nghiên cứu và cải tiến máy thái thức ăn gia súc của Trung Quốc. Kiểu dáng máy thái thức ăn gia súc được anh Nam giữ nguyên, nhưng anh cải tiến thay vỏ sắt bằng gỗ và dùng dao thái bên trong bằng loại dao tốt hơn do đó công suất của máy nhanh và hiệu quả hơn.

Máy sử dụng tiện lợi và độ an toàn cao do không bị rò điện, được nhân dân trong huyện và một số huyện khác rất ưa chuộng.

Ngoài ra, có khách hàng ở một số tỉnh như Bắc Kạn, Thái Nguyên đến đặt hàng. Anh có 2 loại máy thái thức ăn: Loại máy không dùng động cơ điện, có tay quay thủ công bán với giá 800 nghìn đồng/chiếc, máy có mô tơ điện bán với giá 1,3 triệu đồng/chiếc.

Anh Vương Hùng Nam bên máy thái thức ăn gia súc được cải tiến.

Anh Vương Hùng Nam bên máy thái thức ăn gia súc được cải tiến.

Những sản phẩm của anh Nam sản xuất có điểm chung là giảm được tối đa công lao động, tiết kiệm được chi phí và phù hợp với nông dân miền núi.

Hằng năm anh cung cấp ra thị trường trung bình 80 chiếc máy tách vỏ lạc, hơn 100 máy thái thức ăn gia súc, sau khi trừ chi phí cho thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm. Hiện nay, anh đã đầu tư xây dựng 2 xưởng sản xuất máy tách vỏ lạc và máy thái thức ăn gia súc ở thị trấn huyện Thông Nông và xã Lương Can (Thông Nông).

Sản phẩm của anh đã tạo điều kiện cho nhân dân tại các xã trong huyện, nhất là những vùng trồng lạc tăng thêm diện tích trồng và giảm được chi phí cũng như công lao động. Xưởng của anh có từ 5 - 6 công nhân giúp làm việc, được anh  trả 7 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2014 đến nay, gia đình anh liên tục đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2015, anh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba; Giấy khen của UBND huyện về Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2017… Năm 2018, anh vinh dự được đại diện cho Cao Bằng dự Lễ tôn vinh nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.

Chia tay với anh, chúng tôi vô cùng cảm phục trước một người nông dân tiêu biểu trong thời kỳ mới. Thành công của anh thể hiện ý chí táo bạo, dám nghĩ dám làm bởi khát vọng làm giàu cho gia đình cũng như quê hương.

Minh Hòa - Báo Cao Bằng

Bài gốc