“Cây sáng kiến” của Nông trường 8
Đến Nông trường 8, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng hỏi anh Lê Trọng Sáu (1986) ai cũng biết. Bởi anh Sáu không chỉ tay nghề giỏi, là Phó bí thư chi bộ trẻ, năng động, Bí thư chi đoàn luôn hết mình với hoạt động của tuổi trẻ đơn vị mà còn là một “cây sáng kiến”.
Từ năm 2016 đến nay, những giải pháp do anh Sáu nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế sản xuất đã góp phần giảm chi phí đầu tư, bảo đảm chất lượng giao nhận mủ... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người lao động trong đơn vị.
Anh Sáu chia sẻ: Trong các loại sâu, bệnh hại cao su, nấm hồng là bệnh rất phổ biến, nhất là ở vườn cây kiến thiết cơ bản và vườn cây mới đưa vào khai thác. Những năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp, nguồn kinh phí đầu tư phòng trị bệnh giảm nên việc huy động nhân công dập dịch bệnh rất khó khăn.
Công nhân phải chủ động phòng trị bệnh vườn cây được giao. Trong khi dụng cụ phục vụ phòng trị nấm hồng chỉ là bình xịt tay loại 8 lít hoặc bình sử dụng pin kích hoạt bơm nước dung tích 16 lít.
“Được giao thu hoạch mủ vườn cây mới khai thác và chăm sóc vườn cây trồng mới, tôi nhận thấy để sử dụng hết một bình thuốc xịt tay phải bơm hơi 3 lần với khoảng 60 nhịp, khi hơi yếu phải hạ bình xuống bơm tiếp, mất nhiều thời gian và công sức.
Còn bình sử dụng pin đeo rất nặng, làm người sử dụng nhanh xuống sức, trong khi chi phí đầu tư cao và mau hỏng nên tốn kém. Do vậy, tôi nảy sinh ý tưởng nâng cấp bình xịt và sáng kiến “Cải tiến bình xịt nấm hồng” ra đời. Trước đây, loại bình chưa cải tiến chỉ xịt thuốc cao khoảng 5m với dung tích tối đa 8 lít.
Bình sau cải tiến có dung tích 10 lít, nước được hút và đẩy trực tiếp nên lực đẩy mạnh, cao trên 6,5m. Do không mất thời gian bơm và công sức nên năng suất lao động tăng gấp đôi, giúp chữa trị bệnh kịp thời” - anh Sáu nói.
Về sự ra đời của sáng kiến “Dụng cụ ngâm chén cơ động” - anh Sáu cho biết: Sau mỗi mùa cạo, công nhân thường phải đào hố hoặc mua tre làm bể, rồi trải bạt đổ nước pha sút ngâm chén mủ.
Để có một hố ngâm chén, công nhân phải đào cả ngày mới hoàn thành và sử dụng xong phải trả lại hiện trạng ban đầu; còn khung tre cũng sử dụng một lần sau đó phải tháo dỡ, dọn dẹp.
Cách này tốn nhiều công sức mà hiệu quả không cao. Đồng thời làm mất mỹ quan khu vực xung quanh nhà tổ sản xuất do phải đào nhiều hố. Vì thế tôi nghĩ ra cách mua sắt về hàn một bộ khung ngâm chén sử dụng lâu dài.
“Dụng cụ ngâm chén do anh Sáu chế tạo rất cơ động, lắp ráp chỉ khoảng 30 phút là xong một bể ngâm và sử dụng được trong nhiều năm.
Nhiều người có thể luân phiên sử dụng và tiết kiệm được rất nhiều nước sút ngâm chén vì người ngâm trước vớt ra, người sau có thể bỏ chén vào ngâm tiếp, chỉ cần đổ thêm 1/3 số sút ban đầu. Kiểm chứng cho thấy, hình thức cũ chỉ sử dụng một lần, ngâm hết 3kg sút/lần ngâm.
Còn theo sáng kiến của anh Sáu có thể sử dụng trong 5 năm hoặc hơn nếu giữ gìn tốt, mỗi năm sử dụng cho 5-10 lần ngâm, lần đầu bỏ 3kg sút, còn những lần tiếp theo chỉ bỏ thêm 1kg” - anh Hoàng Văn Tân, Tổ trưởng tổ 6, Nông trường 8 cho biết.
Về sáng kiến “Tích hợp máy xịt áp vào máy bơm mủ để vệ sinh trạm giao nhận mủ, thùng chứa mủ và chén hứng mủ”, anh Sáu nói: Sau giờ trút, công nhân phải đưa mủ về giao nên hằng ngày công nhân vệ sinh trạm thu mủ rất lâu vì phải quét và lau mủ bám trên mặt sàn bằng tay tốn nhiều thời gian, hiệu quả không cao.
Từ kiến thức học được trong trường và kinh nghiệm thực tiễn, tôi nghĩ ra cách tích hợp máy xịt áp với máy bơm mủ làm vệ sinh rất hiệu quả.
Qua theo dõi, máy bơm mủ hoạt động bình thường không bị ảnh hưởng, còn khu vực giao nhận mủ được vệ sinh sạch sẽ. Khi tích hợp, máy dễ lắp ráp, sử dụng thuận tiện, lại gọn gàng vì gắn chung với máy bơm mủ và không phải vận chuyển nhiều nên chạy rất ổn định.
Chỉ cần một người vận hành là bằng cả tổ quét dọn bằng tay. Cuối mùa cạo, máy còn được sử dụng vệ sinh chén rất nhanh, tốn ít công lao động, tiết kiệm thời gian và công sức.
Ông Bùi Thiện Hậu, Giám đốc Nông trường 8 cho biết: Giá mủ cao su đang giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi. Để bảo đảm đời sống người lao động, ngoài cắt giảm chi phí đầu tư thì việc ứng dụng những sáng kiến của công nhân vào thực tiễn sản xuất luôn được nông trường quan tâm.
Những sáng kiến của anh Lê Trọng Sáu không chỉ giúp cải thiện môi trường làm việc, nâng cao đời sống người lao động mà còn góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của nông trường nói riêng, công ty nói chung.
Tổ trưởng tổ 6 Hoàng Văn Tân cho biết thêm: Ngoài đam mê sáng tạo, anh Sáu còn là tấm gương tiêu biểu về lao động và học tập. Mặc dù được giao vườn cây mới khai thác nhưng nhiều năm liền, anh Sáu khai thác vượt chỉ tiêu.
Năm 2017, anh khai thác được 5.278kg, đạt 111,8% kế hoạch giao. Anh còn tranh thủ thời gian rảnh học thêm và đã tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp năm 2016.
Với tinh thần cầu tiến và luôn nhiệt tình với đồng nghiệp, anh Sáu vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2015, được tổ chức đảng đơn vị tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Chi bộ và đoàn viên thanh niên trong tổ bầu làm Bí thư chi đoàn.
Ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của anh Lê Trọng Sáu là rất nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, công ty, Tỉnh đoàn...
Riêng năm 2018, anh vinh dự được trao tặng các danh hiệu “Công nhân cao su ưu tú”, “Thanh niên cao su ưu tú” và “Bàn tay vàng cấp nông trường 2018”.
Như Thảo - Báo Bình Phước