Người chế tạo máy nuôi tôm

Cứ đến giờ cài đặt sẵn là máy vận hành cho tôm ăn, máy chạy quạt tạo oxy, máy xi-phông hút cặn bã trong ao khởi động, người nuôi đang ở nơi xa cũng có thể quan sát ao tôm của mình qua màn hình vi tính hoặc điện thoại thông minh.

Đó là "Hệ thống nuôi tôm thông minh" gồm các máy tự động dùng nuôi tôm do anh Đào Phước Xoàn, thường gọi là Út Bé, ở ấp An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre chế tạo.

may-tom-1-2read-only-15388787128391242531719.jpg

Nuôi tôm khỏe re

Chàng trai 29 tuổi này có ý tưởng chế tạo máy nuôi tôm tự động từ việc nuôi tôm ở gia đình quá vất vả. Anh là giáo viên tin học của Trường tiểu học An Thạnh, không có nhiều thời gian chăm sóc tôm nuôi. 

Nuôi tôm ở gia đình anh theo phương pháp thủ công, đến giờ phải ra tận ao cho tôm ăn, thức ăn dư thừa không lấy lại được. Rồi đến giờ chạy quạt tạo oxy, phải tận tay bật cầu dao, đêm hôm thức canh chạy quạt nếu không tôm thiếu oxy sẽ chết.

Máy nuôi tôm anh chế tạo gồm: máy cho tôm ăn, bộ hẹn giờ chạy quạt, bộ hẹn giờ xi-phông đáy ao (hút cặn bã đáy ao). Anh thiết kế máy tự động phun thức ăn cho tôm, thức ăn viên nhỏ phun xa, viên lớn phun gần. Máy có thể cài đặt giờ phun và thời gian máy chạy cho tôm ăn trong 5-7 giây theo sức ăn của tôm.

Với máy cho tôm ăn, người nuôi có thể hạn chế thức ăn dư thừa ở đáy ao, máy chạy 7 giây, kiểm tra thấy tôm ăn không hết, người nuôi có thể giảm thời gian máy phun thức ăn còn lại 5 giây. 

Ngược lại tôm ăn không đủ, tăng thời gian máy phun thức ăn lên. Máy cho tôm ăn đặt ở góc ao và chỉ cần cài đặt giờ cùng thời gian phun thức ăn, người nuôi không phải ra tận ao rải thức ăn như trước. 

Máy còn hẹn giờ quạt, chỉ cần gắn bộ hẹn giờ người nuôi có thể an tâm dù bận việc ở xa và đêm hôm có thể ngủ thẳng giấc mà không phải thức canh chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi. 

Riêng máy xi-phông trên thị trường có bán nhưng anh tự chế và thiết kế ống hút đường kính 60cm, máy hút mạnh cặn bã ở đáy ao và cắt được cả rác đưa ra bãi thải cách xa ao tôm.

Trước đây nuôi thủ công, một lao động chăm sóc một ao tôm, nay với ba loại máy trên, một người có thể chăm sóc ba ao tôm khỏe re! 

Ông Trần Quang Khải - công chức thống kê của xã An Quy, huyện Thạnh Phú - cho biết: "Nuôi tôm bằng máy khỏe lắm, tôi làm việc ở xã, sáng đi làm cài sẵn thời gian cho ăn, hẹn giờ chạy quạt, giờ xi-phông đáy ao là an tâm làm việc ở cơ quan, khi cần quan sát ao tôm ở nhà là có thể xem qua điện thoại thông minh của mình".

Nhà thiết kế lương 1,8 triệu/tháng

Anh Xoàn cho biết anh thiết kế thành công máy tự động phục vụ nuôi tôm từ kiến thức tin học của mình. Anh thiết kế máy kết hợp với bộ hẹn giờ. 

Khi mới bắt tay vào làm, anh gặp rất nhiều khó khăn: với đồng lương giáo viên tiểu học mới ra trường 1,8 triệu đồng/tháng, anh không đủ tiền mua vật liệu chế tạo máy. 

Anh nói với vợ lấy chỉ vàng cưới mua vật liệu, khi nào có tiền sắm lại. Vật liệu làm máy bấy giờ ở Thạnh Phú không có đủ, anh phải lên chợ Bến Tre, lên TP.HCM mới có.

Máy đầu tiên anh làm bằng sắt, phễu to đùng, vận chuyển rất nặng nề và phun thức ăn không được như ý. Khắc phục nhược điểm của máy, những máy cho tôm ăn sau này anh sử dụng tôn làm phễu chứa thức ăn, bốn chân bằng inox. Máy cho tôm ăn có hai kích cỡ: máy dung tích 25kg và 50kg. 

So với vật liệu làm máy bằng sắt trước đây, máy cho tôm ăn hiện nay nhẹ và phun đều hơn nhiều. Giá thành máy hiện tại: máy 25kg giá 2,7 triệu đồng/cái, máy 50kg giá 3,2 triệu đồng/cái. 

Bộ hẹn giờ máy quạt: 700.000 đồng/bộ, bộ hẹn giờ máy xi-phông: 500.000 đồng/bộ. Ao nuôi nhỏ hơn 2.000m2 sử dụng máy cho tôm ăn dung tích 25kg. Ao rộng hơn 2.000m2 sử dụng máy 50kg.

Hệ thống tự động, anh lắp bộ hẹn giờ vào đường điện chạy quạt và hẹn giờ vận hành máy xi-phông hút cặn bã đáy ao. Nhiều người hỏi sao không chế tạo máy có thể lệnh điều khiển từ xa, anh Xoàn cho biết có thể thiết kế được nhưng ao tôm nuôi là tài sản lớn, dù sử dụng máy, giảm lao động nhưng phải có người trông coi.

Ao tôm thông minh

Chế tạo thành công máy, anh Xoàn đến từng nhà nông dân tiếp thị nhưng đa phần họ không tin cho đến khi thấy ao tôm của gia đình anh không có người trông coi mà đến giờ máy tự động cho tôm ăn, quạt tự chạy, máy xi-phông tự vận hành hút cặn bã đáy ao. 

Sản lượng ao tôm 440m2 trước đây nuôi thủ công với mật độ 100 con/m2, đạt 500kg. Khi đưa hệ thống máy tự động vào nuôi với mật độ 300-400 con/m2, đạt 1,7 tấn. Thời gian nuôi tôm bằng máy: 50 ngày cho tôm loại 1. Nuôi thủ công phải từ 60-70 ngày.

Bà con nông dân ở đây thấy các con số thuyết phục quá mới tin là thật và đặt mua máy. Anh đã bán được máy cùng bộ hẹn giờ phục vụ nuôi tôm cho các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Trà Vinh và các huyện trong tỉnh là: Ba Tri, Bình Đại. 

Nông dân ở huyện Thạnh Phú mua rất nhiều. Thấy máy cho tôm ăn hiệu quả, nhiều người nuôi cá tra công nghiệp, nuôi heo trang trại đặt anh Xoàn thiết kế chế tạo máy cho ăn tự động cho họ. Anh cho biết sẽ chế tạo được.

Khi đã chế tạo thành công máy cho tôm ăn và bộ hẹn giờ vận hành các loại máy cho ao nuôi tôm, anh xây dựng đề án khởi nghiệp: "Phát triển hệ thống nuôi tôm thông minh" tham gia phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre. 

Hệ thống nuôi tôm thông minh của anh Xoàn gồm: ao nuôi tôm, ao cá phi liền ranh và được thông nhau qua đường ống có lưới ngăn cá sang ao tôm. Ở ao nuôi tôm thiết kế máy cho tôm ăn cùng bộ hẹn giờ cho tôm ăn, bộ hẹn giờ chạy quạt, bộ hẹn giờ xi-phông. 

Lý giải vì sao cần có ao cá phi cạnh ao tôm, anh Xoàn cho biết bệnh của cá phi không lây cho tôm và ngược lại. Khi bơm nước từ ao lắng nuôi cá sang ao tôm, nước trong ao tôm đảo chiều sang ao cá, cuốn theo cặn bã, tảo, xác tôm lột trong ao tôm sang ao cá, làm mồi cho cá ăn mau lớn, mập mà không phải tốn thức ăn.

Ông Trần Quang Khải ứng dụng công nghệ tự động của anh Xoàn, rất phấn khởi với "hệ thống nuôi tôm thông minh", cho biết: 

"Có máy, tôm bóng đẹp. Tôm nuôi thủ công hay bị ghẻ, thương lái ép giá. Trước đây gia đình tôi nuôi ba ao tôm, bây giờ phải dành một ao nuôi cá phi. Với hệ thống nuôi tôm thông minh, nước trong ao luôn sạch, có thể sử dụng nuôi suốt năm. Đây là kỹ thuật nuôi tôm bền vững, tôm sạch dễ vào các thị trường khó tính".

So sánh

Ông Đào Văn Hoàng nuôi tôm ở ấp An Ninh, xã An Quy, huyện Thạnh Phú đã ứng dụng công nghệ "nuôi tôm tự động" có so sánh với hệ thống nuôi tôm thông minh cộng với phương pháp nuôi tôm cải tiến, chỉ 1,1 tấn thức ăn cho 1 tấn tôm.

Tính ra giá thành chỉ 38.000 đồng/kg tôm, giá tôm thẻ chân trắng lúc thấp nhất: từ 80.000-90.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lời nhiều.

Trong khi đó, nuôi thủ công 1,4-2 tấn thức ăn cho 1 tấn tôm, giá thành từ 65.000-70.000 đồng/kg tôm, thời gian nuôi dài hơn.

Trường hợp giá tôm giảm sâu, nuôi bằng máy có thể kéo dài thêm thời gian chờ giá lên, tôm lớn thêm, lãi nhiều hơn. Nuôi thủ công chỉ ba vụ trên năm, với hệ thống máy tự động có thể nuôi suốt năm (4-5 vụ tôm thẻ).

Lư Thế Nhã - Báo Tuổi trẻ

Bài gốc