Sản xuất ván trượt từ lưới đánh cá

Một công ty ở Hà Lan có tên là DSM đã thu gom lưới đánh cá cũ bị bỏ lại trên Ấn Độ Dương. Họ tái chế chúng thành những hạt nhựa nhỏ, xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, để từ đó tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, chẳng hạn như ván trượt.

 Khi mặt trời ló rạng qua đường chân trời ở ngôi làng Kuthenkuly, miền Nam Ấn Độ, cũng là lúc mà Jesuraja và những người đồng nghiệp là ngư dân chuẩn bị cho chuyến ra khơi ngày mới.

Nhưng họ không ra khơi để đánh cá.

Thay vào đó, họ tìm kiếm những tấm lưới đánh cá bị ngư dân bỏ lại, đang trôi nổi trên Ấn Độ Dương.


Những tấm lưới đánh cá bị ngư dân bỏ lại, đang trôi nổi trên Ấn Độ Dương.

Những tấm lưới đánh cá bị ngư dân bỏ lại, đang trôi nổi trên Ấn Độ Dương.

Các chuyên gia ước tính rằng, 8.300 triệu tấn nhựa nguyên chất đã được tạo ra trong những năm qua. Vấn đề là hầu hết chúng không được tái chế, đó là tin xấu cho môi trường đại dương. Theo một nghiên cứu gần đây, khoảng 8 triệu tấn nhựa tìm đường vào đại dương mỗi năm.

Còn một báo cáo được thực hiện bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc FAO phát hiện ra rằng, 10% ô nhiễm này được tạo thành từ lưới đánh cá nhựa bị bỏ đi, còn được gọi là “Lưới ma”. Lưới đánh cá nhựa gây ra mối nguy hiểm nguy hiểm cho môi trường, vì chúng vô tình có thể bẫy nhiều loài động vật biển. Trên thực tế, Hội bảo vệ động vật thế giới ước tính, khoảng 30 đến 40 loài động vật biển có thể bị mắc vào mỗi chiếc lưới đánh cá bị vứt bỏ. Không chỉ thế, chúng còn bị phân hủy thành những mảnh nhựa siêu nhỏ, xâm nhập vào chuỗi thức ăn của các loài sinh vật biển. “Lưới ma” cũng vướng vào chân vịt của thuyền, gây hỏng động cơ.

Theo ước tính của Tổ chức phi loại nhuận Bảo vệ động vật thế giới, mỗi năm, hơn 100.000 con cá voi, cá heo, hải cẩu và rùa, bị mắc vào “Lưới ma”. Cũng theo tổ chức này, phải mất đến 600 năm, những lưới đánh cá trôi nổi này mới phân hủy hết.

Những tấm lưới đánh cá này vô tình trở thành bẫy đói với các loài sinh vật biển.

Những tấm lưới đánh cá này vô tình trở thành bẫy đói với các loài sinh vật biển.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy 46-70% rác trên bề mặt ở một số đại dương thế giới là ngư cụ. Đó là lý do khiến Công ty DSM của Hà Lan quyết định hợp tác với khoảng 1.000 ngư dân ở Ấn Độ, để trục vọt số lưới này từ đại dương và tái chế chúng.

Jesuraja, một ngư dân tham gia dự án, nói với Reuters: "Bằng cách trục vớt những tấm lưới này từ biển, chúng tôi, theo cách nào đó, đã làm sạch biển và đồng thời kiếm được một số tiền nhất định. Cũng chính việc làm này giúp quá trình đánh bắt cá của chúng tôi thuận lợi hơn".

“Nếu không vớt, thì những chiếc lưới này sẽ mắc kẹt vào chân vịt của thuyền và làm hỏng máy móc, lúc đó chúng tôi có muốn đánh cá cũng không được” – ông Jesuraja giải thích.

Sau khi được thu gom, những chiếc lưới đánh cá này được vận chuyển vào đất liền để chuẩn bị cho quy trình tái chế.

Sau khi được thu gom, những chiếc lưới đánh cá này được vận chuyển vào đất liền để chuẩn bị cho quy trình tái chế.

Những ngư dân này cho biết, thu nhập của họ tăng 20% mỗi tháng khi tham gia dự án. Sau khi được thu gom, những chiếc lưới đánh cá này được vận chuyển vào đất liền, cụ thể là nhà máy tại thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ. Chúng được rửa sạch và phân loại cho máy tái chế. Máy sau đó phá huỷ nhựa bằng cách nấu chảy và cắt nhỏ thành những hạt nhựa. Số hạt nhựa này được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

Nhà máy tại thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ.

Nhà máy tại thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ.

Anh Uday Shetty, Giám đốc điều hành của DSM cho biết: "Chúng tôi vớt lưới đánh cá bị bỏ lại, mang chúng ra khỏi đại dương, làm sạch và biến thành hạt nhựa nhỏ. Những hạt nhựa này sẽ trải qua một cuộc kiểm tra chất lượng, rồi được đưa vào các dây chuyền sản xuất công nghệ cao, và cuố cùng biến thành các sản phẩm hữu ích chẳng hạn như ván trượt thân thiện với môi trường".

Những chiếc ván trượt như thế đã xuất hiện tại Công ty sản xuất ván trượt Starboard, có trụ sở tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Công ty này nhập khẩu hạt nhựa từ DSM để sản xuất các bộ phận và dụng cụ trượt ván.

Người sáng lập Starboard, anh Svein Rasmussen chia sẻ, thời gian qua, anh gần như chuyển hẳn sang sử dụng hạt nhựa tái chế để sản xuất các sản phẩm của công ty: “Từ những chi tiết nhỏ, như túi đựng, cho đến cả một chiếc ván trượt to, chúng tôi đều cố gắng sử dụng tối đa hạt nhựa tái chế. Tôi muốn rằng, khi nhìn thấy những sản phẩm này, mọi người sẽ hiểu hơn về tái chế, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa”.

Tuy vậy, Starboard cũng cho hay, khó khăn lớn nhất với họ hiện nay là công nghệ ở công ty chưa đủ để phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt ván trượt chỉ dùng vật liệu rác tái chế.

Ván trượt làm từ lưới đánh cá tái chế.

Ván trượt làm từ lưới đánh cá tái chế.

Trong lúc đó, tại Indonesia, đảo Bali – nơi nổi tiếng với những con sóng lý tưởng cho bộ môn lướt sóng – cũng đang vật lộn với cuộc chiến rác thải nhựa, khi chúng gây tắc nghẽn các dòng sông và vùng ven biển. Cứ mỗi sáng, những bãi cát dài lại bị phủ kín bởi rác thải nhựa trôi về từ đại dương.

Chủ sở hữu của Trường dạy lướt sóng Ripcurl trên đảo Bali, anh Jonni Deaker Morrison, hiện đang sử dụng ván trượt thân thiện với môi trường và anh cho rằng, từ các nhà sản xuất cho đến những người lướt sóng, nên có ý thức biến môn thể thao này ngày càng bền vững hơn.

Chúng ta cần phải cung cấp kiến thức cho những người thích môn lướt sóng, và đồng thời thúc giục các công ty sản xuất dụng cụ lướt sóng tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn” – anh Jonni Deaker Morrison nhấn mạnh.

Ván trượt làm từ lưới đánh cá tái chế của công ty Starboard.

Ván trượt làm từ lưới đánh cá tái chế của công ty Starboard.

Theo Ngân hàng Thế giới WB, năm 2016, thế giới thải ra 242 triệu tấn rác thải nhựa. TQ và Indonesia là những nước xả nhiều rác thải nhựa nhất trong số đó.

Thương Huyền (Theo Reuters)