Thư viện trên lưng lừa ở Zimbabwe

Khả năng kéo chở vật nặng ngay cả trên những con đường gồ ghề nhất và tính kinh tế trong chăm sóc khiến những chú lừa trở nên đáng quý.

Không chỉ vậy, ở đất nước Zimbabwe, loài gia súc này còn sắm vai ‘động cơ’ cho các thư viện di động - vốn là một phần trong dự án giáo dục phi lợi nhuận có tên Chương trình Phát triển Thư viện và Tài nguyên Địa phương (Rural Libraries and Resources Development - RLRDP).

Trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều trẻ em châu Phi nói chung và ở Zimbabwe nói riêng vẫn chưa tiếp cận thường xuyên đến sách và văn hóa đọc, các thành viên dự án RLRDP đang cố gắng mang sách đến gần hơn với các em.

Kể từ khi thành lập vào năm 1990 đến nay, dự án đã thực hiện nhiều chương trình nhỏ giúp quảng bá văn hóa đọc đến các ngôi làng trên khắp đất nước, mà nổi bật nhất là những thư viện di động trong hình hài những chiếc xe lừa kéo.

Được thực hiện liên tục từ năm 1995 đến nay, chương trình thư viện lừa kéo của RLRDP có 15 thư viện di động. Mỗi thư viện gồm 4 chú lừa và một cỗ xe trông như một căn nhà nhỏ có hai bánh, có mái, được chia thành nhiều ngăn chứa sách với tổng sức chứa lên đến 1.200 cuốn, và có đủ chỗ ngồi cho 3 người điều khiển. Tất cả các cỗ xe đều do Tiến sĩ Obadiah Moyo, người lập ra dự án RLRDP, thiết kế.

Trong số 15 thư viện, có đến 12 thư viện chuyên về sách, với thể loại chủ đạo là sách thiếu nhi. Nhằm mục đích làm cho các thư viện có thể tự duy trì và hoạt động độc lập, dự án RLRDP đã có nhiều bổ sung cho các thư viện của họ trong nhiều năm qua, bao gồm trang bị giảm xóc cho các cỗ xe, cũng như lắp đặt thêm bộ mái che phòng khi các thư viện đến những nơi không có bóng cây.

shelving-units-of-the-donkey-cart.jpg

Ngoài ra, để bắt kịp với xu hướng sử dụng Internet trên toàn thế giới, chương trình cũng có 3 thư viện di động được trang bị pin năng lượng Mặt trời để cấp điện cho máy tính, máy in, và các cổng sạc điện thoại di động tích hợp trên thư viện.

Các thư viện tiên tiến này sẽ giúp những người sử dụng đọc sách trực tuyến, cập nhật tin tức nhanh chóng, và có thể là tận hưởng các tác phẩm điện ảnh trong các buổi chiếu phim công cộng. Ngoài ra, các thầy cô giáo có thể sử dụng máy tính và máy in để soạn giáo án và tra cứu thông tin. Những người thực hiện chương trình hi vọng rằng những thư viện này có thể thực sự trở thành thư viện đa phương tiện trong tương lai.

Dù đã trải qua hơn 20 năm thực hiện, chương trình thư viện di động lừa kéo của RLRDP vẫn gặp phải một số khúc mắc, mà trước hết vẫn là vấn đề ngân sách. Theo Tiến sĩ Moyo, chi phí hoạt động ước tính của dự án RLRDP là 150.000 đôla Mỹ/năm.

Về phần thư viện di động, các học sinh vẫn phải đóng tiền để giúp duy trì những thư viện lừa kéo - ở một số nơi, mỗi em phải đóng đến 60 đôla Mỹ/học kì, trong bối cảnh vẫn còn nhiều chi phí học tập khác phải trang trải, và nền giáo dục Zimbabwe luôn thiếu hụt đầu tư về tài chính.

Nội dung các đầu sách cũng cần phải thay đổi. Tổ chức Book Aid International hỗ trợ hầu hết những cuốn sách của hệ thống thư viện di động, ngoài ra còn có một số nhà xuất bản cũng tham gia quyên góp ấn phẩm đến các thư viện.

Dù vậy, số sách tiếng Anh lại chiếm đa số - nhiều cuốn trong số chúng vượt quá khả năng và trình độ của trẻ em địa phương. Ngược lại, số sách viết bằng tiếng Ndebele và tiếng Shona - những ngôn ngữ bản địa - lại quá ít.

Chính vì lí do nội dung như vậy mà RLRDP mong muốn nhận thêm nhiều hỗ trợ tài chính hơn là hỗ trợ về sách, và dự án cũng hi vọng sẽ thu thập nhiều hơn những tác phẩm viết bằng tiếng địa phương do chính các tác giả người Zimbabwe chấp bút.

Bất chấp những khó khăn trên, RLRDP vẫn hoạt động và mang lại những hiệu quả tích cực cho cộng đồng. Theo Tiến sĩ Moyo, tỉ lệ thi đỗ đã cải thiện đáng kể kể từ lúc chương trình thư viện lừa kéo bắt đầu lần lượt đi đến từng ngôi làng.

Cũng theo người sáng lập RLRDP, tỉ lệ đỗ chương trình O-Level (tương đương với cấp Trung học Cơ sở ở Việt Nam) ở trường Trung học Cơ sở Inyathi do RLRDP hỗ trợ là 75% vào năm ngoái, cao hơn rất nhiều so với con số chỉ 6% vào năm 2009.

Chưa dừng lại ở đó, có một nhóm những người trẻ đã bắt tay vào khởi nghiệp nuôi ong sau khi được truyền cảm hứng từ những cuốn sách về nghề nuôi ong ở thư viện địa phương, dù cho những người này không còn ngồi trên ghế nhà trường nữa.

Những chiếc xe lừa kéo chở sách cứ thế dừng lại ở các ngôi làng trong một khoảng thời gian từ 4 tiếng đến 1 ngày, tạo điều kiện cho các em nhỏ có thể tiếp cận đế nguồn tri thức vô tận và không ngừng cập nhật của nhân loại.

Trong mỗi chuyến dừng như vậy, sẽ có khoảng 1.600 độc giả không chỉ đơn thuần nâng cao hiểu biết và hoàn thành bài vở của mình, mà quan trọng hơn là tiếp cận đến sách và văn hóa đọc.

Bên cạnh thư viện lừa di động, RLRDP còn những chương trình khác như 120 chiếc xe đạp thồ sách khắp quốc gia, các khóa huấn luyện thủ thư, hay việc lắp đặt máy tính ở những nơi chưa được trang bị các thiết bị công nghệ - tất cả đều góp phần mang tri thức đến cho cộng đồng.

Quốc Huy