Nông dân Lâm Đồng chế giàn khay trượt nuôi tằm, giúp người nuôi bớt cực

Vượt gần 300km đường đèo dốc quanh co, cuối cùng tôi cũng tìm gặp được anh Dương Văn Hiếu, SN 1974 ở thôn Sình 78, khu phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

10-14-22_nong_dn_duong_vn_hieu_sng_che_khy_truot_nuoi_tm.jpg

Anh là người sáng chế giàn khay trượt nuôi tằm 4 tầng (khay sắt), thay thế cũi, nong bằng tre. Không những giảm thiểu ngày công lao động, mà còn giải phóng được cường độ lao động, tăng năng suất. Thay đổi cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi tằm.

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nam Ban cho biết: sáng chế của anh Hiếu là sản phẩm rất hữu ích, thay thế hoàn toàn đũi, nong bằng tre sang khay sắt, có độ bền cao hơn. Bà con nông dân từ nay chấm dứt không còn cảnh “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Không phải bê nong, di chuyển thoải mái, rất tiện dụng cho tằm ăn, làm vệ sinh cũng rất dễ dàng. Giảm thiểu ngày công lao động, thay dổi cách làm mới.

Anh Dương Văn Hiếu cho biết: "Qua quá trình lao động, tôi cảm nhận được sự nhọc nhằn, vất vả của người trồng dâu nuôi tằm. Nhiều đêm tôi cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được, tại sao mình không nghĩ ra một cách làm mới hơn để bà con đỡ vất vả. Năm 2009 tôi quyết định gom hết số tiền ít ỏi từ công đi làm thuê và mượn thêm tiền mua sắt chữ V và lưới B 40 về làm thử.

Hồi đó máy cắt, máy hàn còn quý hiếm lắm làm sao mà mượn được, mình phải căn chủ tiệm làm ban ngày thì thuê máy về làm ban đêm. Phải mất một tuần mới làm xong 1 cái khay có hàn lưới (làm riêng từng khay).

Sau khi làm xong khay đầu tiên đưa vào nuôi thử thấy khung bằng sắt V hơi bị yếu, bị vặn. Nguyên nhân do làm khung dài quá nên bị yếu, hơn nữa chiếm mất nhiều diện tích, di chuyển bất tiện.

Cuối năm 2010 tôi đi tới các các hộ nuôi tằm khảo sát lại và tính toán chính xác, đếm thử 1 hộp tằm tới ngày ăn rỗi phải cần bao nhiêu nong, mỗi nong có đường kính bao nhiêu. Lúc đó người dân nuôi tằm thường dùng nong bằng tre, có đường kính từ 1 - 1,2m, mỗi hộp tằm ăn rỗi cần 20 - 22 nong.

Sau khi nghiên cứu, tính toán cẩn thận tôi bắt đầu làm mẫu thứ hai, tôi vẫn dùng sắt V chiều ngang dài 1,5m; chiều dài 3m; làm 4 khay trồng lên nhau (4 tầng), tổng diện tích 18m2, tương đương 20 nong bằng tre; 4 góc dùng 4 cái chốt, chốt lại.

Lần này cứ tưởng chắc ăn, nhưng khi nuôi tằm lại thấy bất tiện. Mẫu lần này có khắc phục được tiết kiệm diện tích, nhưng khi cho ăn vẫn phải đi xung quang vứt dâu vào. Di chuyển lại khó hơn, khi nuôi xong 1 lứa lại phải hì hụi tháo chốt ra, tháo chốt vào, khiêng khay lên khiêng xuống. Nhiều người thấy vậy cứ nói ra nói vào. Ai nói ngược nói xuôi mặc ai, tôi quyết theo tới cùng, sau 6 năm miệt mài vừa nuôi tằm vừa thử nghiệm, tính toán chi tiết, giải quyết hết những hạn chế".

Anh kể tiếp, năm 2013 anh thiết kế ra mẫu hoàn toàn chắc chắn, tiện dụng “giàn khay truợt nuôi tằm 4 tầng”. Cấu tạo gồm: Bộ khung – 4 khay – lưới B40 – 4 bánh xe. Chiều cao của bộ khung là 1,35m; khay làm bằng sắt hộp, chiều ngang khay 1,5m, chiều dài 3m, chiều cao khay 17cm; đáy khay hàn lưới B40 có trải lưới đen (lưới che trồng lan).

Mỗi 1 khay đều có hệ thống bánh xe và rãnh trượt để kéo ra, đẩy vào rất dễ dàng và nhẹ nhàng. Hệ thống khay trượt này có rất nhiều ưu điểm nổi trội như có 4 bánh xe ta có thể di chuyển đi bất cứ chỗ nào, sau một lứa nuôi đẩy cả giàn ra sân để vệ sinh. Khi cho tằm ăn rỗi, một người đứng một chỗ vẫn cho ăn tốt, thứ tự kéo khay thứ nhất rải dâu cho tằm ăn xong đẩy vào, kéo khay thứ hai, thứ ba… cứ như vậy cho tới hết.

Anh tâm đắc nhất là giàn khay trượt vô cùng hữu ích, chấm dứt không còn cảnh bê nong lên, bê nong xuống, không những giảm thiểu được ngày công lao động mà còn giải phóng được cường độ lao động. Quan trọng hơn cả vẫn là năng suất và chất lượng tằm.

Huyện Lâm Hà nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung, có khí hậu đặc trưng mùa mưa rất lạnh, mùa khô cũng nóng nắng vào buổi trưa và buổi chiều. Cho nên khi sử dụng giàn khay trượt để nuôi tằm này rất hiệu quả.

Bà con nông dân lưu ý, khi trời nắng nóng kéo các khay tằm nằm so le, tằm vẫn đảm bảo độ thoáng khí, mát mẻ. Khi trời lạnh đẩy hết các khay tằm vào theo thứ tự từng tầng từ tầng 1 đến tầng 4, tằm vẫn giữ được ấm, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Đức Hiếu - Báo Nông nghiệp

TinQuântin tức, sáng chế