Hết sâu răng với nước súc miệng từ lá bàng non của học sinh Huế
Với những chiếc lá bàng non, hai nữ sinh ở Huế đã dùng lá bàng non để tạo ra chế phẩm thiên nhiên giúp răng miệng trở nên trắng sáng và thơm tho.
Biến lá bàng thành nước súc miệng
Đây là sản phẩm của hai học sinh Lê Thị Quỳnh Anh và Lê Thanh Hằng (trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Huế, Thừa Thiên Huế).
Hai bạn cho biết, nhiệt miệng hay viêm loét miệng là một chứng bệnh thường gặp và gây nên những cơn đau dai dẳng. Cùng với đó, các mảng bám vào răng, chân răng tạo thành bởi thức ăn tích tụ, dần dần cứng lại, tạo thành cao răng và nếu không lấy đi sẽ dẫn đến các bệnh ở nướu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động gây sâu răng.
“Lá và búp bàng có công dụng chữa cảm sốt, viêm loét da, trị nhiệt miệng rất hiệu quả mà không phải ai cũng biết. Chúng em đã tận dụng nguyên liệu dễ kiếm này để tạo ra nước súc miệng hoàn toàn từ thiên nhiên”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Sau hơn hai tháng nghiên cứu và thực hiện, sản phẩm đầu tay đã ra lò và được mang đến công ty dược phẩm Thừa Thiên Huế để kiểm tra độ an toàn. Theo đó, trong nước súc miệng có thành phần tanin khoảng 0,4 - 0,5%, chất này có tác dụng kháng khuẩn và an toàn cho người dùng.
Theo Thanh Hằng, chỉ cần ngậm nước lá bàng 2 lần/ngày có thể giúp trị sạch sâu răng, viêm nướu cũng như làm sạch mảng bám ố vàng chỉ sau một tuần áp dụng.
“Nước súc miệng được bảo quản trong tủ lạnh và chỉ dùng trong vòng 1 tuần. Sau khi đánh răng với kem đánh răng, lấy nước lá bàng ngậm vào miệng rồi súc từ từ và súc miệng lại bằng nước sạch”, Thanh Hằng cho hay.
Chế phẩm thiên nhiên dễ kiếm, dễ làm và không tốn chi phí
Quỳnh Anh cho biết, nước súc miệng từ lá và búp bàng non có những ưu điểm như sản phẩm được làm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, không tốn chi phí, và không gây dị ứng. Sản phẩm có thể loại bỏ nhanh chóng cao răng, vết ố lâu ngày, giúp răng trắng sáng và hơi thở thơm tho. Đặc biệt, nước súc miệng từ lá bàng có thể dùng quanh năm cho mọi lứa tuổi, mọi gia đình.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Thanh Hằng cho biết: “Chúng em phải mày mò nhiều lần mới thành công. Bên cạnh đó, do ở trường chưa có cơ sở vật chất để phân tích các thành phần nên phải mang đến nơi khác kiểm tra”.
Trao đổi với Tạp chí Khám phá, thầy Nguyễn Thiện Nguyên - giáo viên hướng dẫn, cho biết Hằng và Anh là người thông minh, đam mê nghiên cứu khoa học, đa phần các công đoạn đều do các em tự tay làm. Chế phẩm này rất hữu ích, có thể ứng dụng thực tế rộng rãi vào đời sống hàng ngày.
Vừa qua, sản phẩm đã đạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố Huế năm 2017 và giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
Nhật Tuấn - Báo khám phá