Vì sao bạn ‘không thể cưỡng lại’ cái điện thoại? - Phần 1
Nghiện công nghệ giờ không còn là giả thuyết hay hiện tượng hy hữu. Chứng nghiện này đã ở mức cần phải báo động bởi những hệ lụy trực tiếp của nó với sức khỏe và hiệu suất công việc.
Cuốn sách Irresistible (2017) của tác giả Adam Alter đã chỉ ra cho chúng ta thấy rất nhiều người đã và đang trở thành "nô lệ" cho những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, video game và các nền tảng mạng xã hội theo một cách "trung thành" đáng ngại tới mức nào.
Cuốn sách của Adam Alter lý giải cho độc giả hiểu theo cách nào chúng ta đã dính vào cơn nghiện thiết bị điện tử và bằng cách nào mà các nhà thiết kế những công nghệ đó đã lôi kéo chúng ta một cách đầy chủ động vào cơn nghiện ấy.
Dĩ nhiên theo đó cuốn sách mang tính cảnh báo và là một sự báo động mạnh mẽ buộc nhiều độc giả phải nhìn lại thói quen lướt và bấm với những chiếc smartphone của mình.
Tiến sĩ Adam Alter là giảng viên ngành tâm lý học tại trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York. Với những tư tưởng cùng kiến thức chuyên sâu trong nghiên cứu về tâm lý xã hội, ông đã trở thành chuyên gia cố vấn cho một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Google và Microsoft.
Ông từng viết nhiều bài cho báo News York Times và trang web công nghệ nổi tiếng Wired. Cuốn sách trước đây của ông cũng từng là một cuốn best-seller có tên là Drunk Tank Pink.
TTO xin được giới thiệu cùng bạn đọc những nội dung cốt lõi và hữu ích trong cuốn sách của ông, với mong muốn mỗi người có thể đối diện với thực tế này và tìm giải pháp kịp thời cho bản thân và con cái.
Bạn "rời xa" điện thoại được bao lâu?
Nếu bạn đang đọc những dòng này, một điều gần như chắc chắn là bạn đang đọc nó trên màn hình của một smartphone, một máy tính bảng hay một máy tính.
Nhiều khả năng đây không phải là lần duy nhất bạn ngó vào màn hình thiết bị điện tử trong ngày hôm nay. Chuyện này nghe "quen quen" quá phải không?
Trong một thời đại mà các thiết bị thông minh và máy tính đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống, có một nguy cơ ngày càng tăng cao là con người đang dễ dàng hơn trong việc mắc chứng nghiện những "món đồ chơi công nghệ mới".
Chúng ta đơn giản nhận thấy mình không thể cưỡng lại việc cầm tới chúng.
Bạn cảm thấy ra sao nếu không được sử dụng smartphone trong một ngày? Sẽ thế nào nếu bạn không dùng nó trong cả một tuần?
Đó có lẽ là viễn cảnh hầu hết chúng ta đều không muốn nghĩ tới. Bởi không ít người chúng ta đều bắt đầu cảm thấy lo lắng khi bị tách rời khỏi thiết bị điện tử chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Có thể bạn đã từng tự cật vấn mình những câu như tại sao bạn đang dành quá nhiều thời gian cho điện thoại và không có đủ thì giờ cho bạn bè và những người thân yêu. Nếu như vậy, đừng lo, bạn không phải là người duy nhất.
Đây chính xác là những gì mà ông Kevin Holesh đã từng nghĩ tới vào năm 2014 khi ông phát triển một ứng dụng có tên là Moment.
Mục đích của ứng dụng này là thu thập các dữ liệu người dùng và xác định mức thời gian chính xác mà mọi người tiêu tốn trên các thiết bị di động của họ.
Mặc dù người dùng Momen nhìn chung đều tin rằng họ chỉ tiêu tốn khoảng 90 phút mỗi ngày nhìn vào thiết bị của họ, tuy nhiên ứng dụng Moment lại tiết lộ rằng họ cầm điện thoại lên khoảng 40 lần trong suốt ngày vàdành cho nó trung bình tổng cộng 3 tiếng mỗi ngày để dán mắt vào nó.
Trong khi đó các chỉ dẫn tư vấn về sức khỏe khuyến cao người dùng không nên dán mắt vào điện thoại nhiều hơn một tiếng mỗi ngày, nhưng 88% người dùng Moment đã vượt quá xa mức giới hạn đó.
Nở rộ trung tâm cai nghiện công nghệ
Video game là một chứng nghiện công nghệ đáng kể khác.
Hãy nhìn vào ví dụ của game World of Warcraft, một dạng game nhập vai online nhiều người chơi cùng lúc đã tạo ra một thế giới tương tác ảo vô cùng rộng lớn, cho phép người dùng tự tạo avatar của họ và tương tác với những người chơi online khác theo thời gian thực.
Mỗi ngày có hàng triệu người chơi đăng nhập vào thế giới ảo này mỗi ngày, và theo chuyên gia về video game, Jeremy Reimer, có tới 40% trong số họ đã nghiện game đó.
Thế nên không có gì ngạc nhiên khi các trung tâm điều trị nghiện game mọc lên khắp nơi trên thế giới. Trong đó có ReStart, một trung tâm ở gần thành phố Seattle của Mỹ là một cơ sở điều trị game do một nhà tâm lý học và một lập trình viên hợp tác mở ra.
Có một câu hỏi đặt ra, phải chăng chúng ta đang gắn bó quá chặt với những thiết bị này là vì sự tiện dụng chúng mang lại cho cuộc sống và công việc? Hay vì chúng ta thực sự đã bắt đầu nghiện những cảm giác tưởng thưởng tinh thần vốn đơn giản và vô nghĩa và "rất ảo" mà các thiết bị kết nối đó mang lại cho ta?
Đắc Luân - Báo Tuổi trẻ