Vì sao bạn ‘không thể cưỡng lại’ cái điện thoại? - Phần 2
Những tình huống cụ thể và các kích thích thần kinh ở bộ não diễn ra trong quá trình tiếp xúc với những nội dung thông tin và giải trí trên mạng Internet khiến bạn dễ nghiện điện thoại hơn.
Trong suốt một thời gian dài đã tồn tại một lầm tưởng cho rằng những người nghiện ngập là những người tha hóa đạo đức hoặc ý chí quá kém cỏi. Tuy nhiên dần dà theo thời gian, khi chúng ta hiểu thêm về cơ chế gây nghiện, ta biết rằng sự thực không hoàn toàn như vậy.
Ai cũng có thể mắc nghiện
Trên thực tế có rất nhiều "tình huống xô đẩy" theo đúng nghĩa đen khiến một ai đó bị nghiện. Qua nghiên cứu của mình, nhà tâm lý học Lee Robbins của Đạihọc Washington nhận thấy chỉ có 3-5% những người nghiện heroin có thể kiểm soát bản thân để không tái nghiện sau thời gian điều trị.
Bà Lee Robbins tin rằng lý do chính của tình trạng tái nghiện rất lớn này có liên quan tới bối cảnh, hoàn cảnh sống cụ thể của người đó.
Chẳng hạn, nhiều người nghiện ma túy là bệnh nhân của bà Lee Robbins sau khi được tách khỏi các hoàn cảnh, điều kiện sống khắc nghiệt và không dễ tiếp cận với ma túy đã có thể cai nghiện thành công.
Kết quả nghiên cứu của bà Lee Robbins khiến nhiều người đặt câu hỏi chất vấn ngược lại với những niềm tin đã từng được mặc định trước đó về chứng nghiện.
Theo đó hiện nay, việc nghiện một thứ gì đó ở một người đã được nhìn nhận không chỉ là tình trạng xảy ra với những người thiếu ý chí, mà còn là vấn đề tâm lý có thể xảy ra với bất cứ ai, miễn là họ rơi vào trong các điều kiện hoàn cảnh phù hợp tương ứng với chứng nghiện đó.
Nhận thức mới này sau đó đã được củng cố thêm bằng các chứng cứ khoa học do nhà tâm lý học James Olds công bố từ các thí nghiệm tiến hành với chuột của ông vào đầu những năm 1950.
Sau khi tình cờ phát hiện trung tâm hưng phấn trong não chuột, ông Olds đã cấy một điện cực vào não chúng, cho phép những con chuột của ông có thể kích thích vùng não này bằng cách nhấn vào một chiếc nút.
Theo đó, những con chuột trong thí nghiệm đã bấm đi bấm lại nút này nhiều lần, quên cả ăn và uống, cho tới khi chúng kiệt sức mà chết.
Sau đó thí nghiệm này đã được tiến hành với khỉ và cũng cho các kết quả tương tự. Từ đó các nhà khoa học kết luận rằng, tất cả các loài động vật, kể cả con người, đều có thể bị nghiện trong những điều kiện phù hợp nhất định.
Nhiều chất hóa học có khả năng tạo ra các phản ứng tác động vào trung tâm hưng phấn của bộ não người, cộng thêm với việc một người nào đó đang tìm cách thoát ra khỏi một hoàn cảnh không thuận lợi, như nỗi sợ chiến tranh, buồn chán hay thất vọng, lập tức họ rất dễ bị nghiện.
Trở lại vấn đề công nghệ, các tiện ích hiện đại này cũng có những tác động kích thích tới các trung tâm hưng phấn trong bộ não chúng ta theo một cơ chế không khác gì với các chất gây nghiện.
Nghiện hành vi cũng nguy hiểm như nghiện ma túy
Trong xã hội cũng đã xuất hiện các nhóm chuyên hỗ trợ những người nghiện một số hành vi nào đó, chẳng hạn những người nghiện sex, nghiện cờ bạc hay ám ảnh về việc lau dọn, vệ sinh.
Thông thường ta vẫn nghĩ các chứng nghiện nghiêm trọng thường liên quan tới các chất kích thích kiểu như ma túy hay rượu. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đã có các bằng chứng khoa học cho thấy nhiều hành vi của con người cũng có tác động tới bộ não giống hệt như cơ chế tác động của các chất kích thích.
Theo nhà thần kinh học Claire Gillian của đại học Cambridge, các hành vi có thể kích thích lên các vùng não tương tự cách kích thích của các loại ma túy như heroin hay cocaine. Trong số đó có các hành vi đang diễn ra trên mạng như chơi video game, chat sex hoặc đánh bạc.
Trong tất cả các trường hợp này, chất truyền dẫn thần kinh dopamine sẽ được tiết ra trong não, tạo cảm giác hưng phấn rất mạnh cho con người.
Tuy nhiên cảm giác hưng phấn ban đầu này dần giảm đi khi hành vi đó được lặp lại. Điều này khiến mọi người sẽ nghiện nặng hơn khi cố dành thời gian ngà một nhiều hơn để lên mạng, theo đó cũng cố gắng đạt được lượng dopamine tiết ra nhiều hơn, thỏa mãn niềm hưng phấn của họ.
Tin tốt lành ở đây là vì các chứng nghiện hành vi dù sao cũng không nghiêm trọng như nghiện ma túy, do đó cơ hội để thoát nghiện cũng đơn giản hơn.
Đắc Luân - Báo Tuổi trẻ