Biến khí thải công nghiệp thành nhiên liệu máy bay

Một chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Virgin Atlantic bay từ thành phố Orlando, Mỹ đến Gatwick, Anh đã trở thành chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng hỗn hợp nhiên liệu thông thường trộn với ethanol tái chế từ khí thải công nghiệp.


Ông Richard Branson (ngoài cùng bên trái) và bà Jennifer Holmgren, Giám đốc điều hành của LanzaTech (áo đỏ, ở giữa, hàng đầu tiên).

Virgin Atlantic cho biết nhiên liệu mới này sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon của ngành hàng không tạo ra.

Hỗn hợp nhiên liệu này do công ty LanzaTech, Mỹ sản xuất,  được tái chế 5% nhưng thành phần bền vững thực tế có thể tăng lên đến 50%. LanzaTech cũng cho biết họ có thể cung cấp đến 20% lượng nhiên liệu cho ngành hàng không, và sử dụng loại nhiên liệu này có thể giảm lượng khí thải nhà kính xuống 65% so với sử dụng nhiên liệu xăng truyền thống.

Tái chế lượng khí thải carbon do các nhà máy thải ra thành nhiên liệu có ích, đang mở ra triển vọng phát triển một chu trình bền vững.  

Tập đoàn Virgin đang vận động chính phủ cho phép họ xây dựng các nhà máy ở Anh Quốc để đáp ứng toàn bộ nhu cầu nhiên liệu cho hãng.


Ông Richard Branson, nhà sáng lập Tập đoàn Virgin cho biết, chuyến bay thương mại đặc biệt vừa được thực hiện của hang, là một bước tiến rất lớn trong lộ trình đưa loại nhiên liệu mới này vào sử dụng đại trà.

 “Hợp tác với công ty LanzaTech sẽ cho phép chúng tôi có thể giảm một lượng lớn khí thải carbon ra môi trường, và đồng thời hỗ trợ cho ngành công nghiệp Anh Quốc phát triển. Loại nhiên liệu này được sản xuất từ các loại khí thải giàu carbon, do các nhà máy công nghiệp thải ra. Tái chế loại khí này để sử dụng một lần nữa, giúp hạn chế việc khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch từ lòng đất”, ông Richard Branson chia sẻ.

Tập đoàn Virgin cũng đang vận động Chính phủ hỗ trợ tài chính để tập đoàn LanzaTech xây dựng ba nhà máy sản xuất nhiên liệu mới này ở Anh vào năm 2025, để sản xuất ra khoảng 125 triệu gallon ( tương đương 473.180.149 lít) nhiên liệu máy bay mỗi năm.

Bà Jennifer Holmgren, giám đốc điều hành công ty LanzaTech cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, việc tái chế khí thải carbon để biến thành nhiên liệu cho máy bay là điều hoàn toàn có thể, khí thải carbon cần phải xem là một cơ hội chứ không phải là một gánh nặng trách nhiệm, carbon hoàn toàn có thể được tái sử dụng nhiều lần”.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một kế hoạch vận động tương tự nào như thế đạt được thành công. Ông Willie Walsh, giám đốc điều hành của hãng hàng không British Airways, thuộc tập đoàn International Airways Group (IAG), đã chỉ trích gay gắt việc chính phủ không ủng hộ đề xuất xây dựng một nhà máy GreenSky ở phía Đông Luân Đôn, mà theo ông thì nhà máy này có thể cung cấp đủ nhiên liệu sạch cho tất cả các chuyến bay của hãng British Airways cất cách từ sân bay thành phố Luân Đôn từ năm 2014, hiện dự án xây dựng nhà máy này đã bị hủy vào năm 2016.

Kể từ đó Bộ Giao thông Anh đã cam kết đầu từ một khoản nhất định cho dự án mới của công ty nhiên liệu sinh học Velocys, có sự hỗ trợ của British Airways và tập đoàn Shell. Dự án này nhằm biến rác thải gia đình, trong đó có cả tả bỉm trẻ em, thành nhiên liệu cho máy bay.

Bộ trưởng hàng không Anh, Liz Sugg cho biết “Chúng tôi cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy phát triển các loại nhiên liệu mới thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhiên liệu cho các loại máy bay, đây là loại phương tiện vẫn sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống trong nhiều năm tới”.

Các mục tiêu chống biến đổi khí hậu mang tính ràng buộc của Anh chỉ yêu cầu ngành công nghiệp hàng không đến năm 2050 vẫn giữ mức khí thải CO2 tương đương với năm 2005 – mặc dù ai cũng thấy được sự phát triển nhanh chóng số lượng các chuyến bay trong khoảng thời gian đó.

Cho đến nay, hầu hết những tiến bộ trong giải quyết khí thải do ngành hàng không thải ra là nhờ sử dụng các loại máy bay có hiệu năng cao hơn – Virgin cho biết từ năm 2007 đến 2017, họ đã giảm được 24% tổng lượng khí thải CO2 bằng cách thay thế những chiếc máy bay Boeing 747 cũ kỹ bằng loại máy bay Boeing 787. Nhưng việc sử dụng phổ biến những loại nhiên liệu bền vững hơn, cộng với các kế hoạch giảm lượng khí thải cacbon, cũng phải là yếu tố bắt buộc.

Phước Anh (Theo The Guardian)