Người Hàn Quốc đua nhau “ngồi tù” để thư giãn
Xã hội Hàn Quốc vốn nổi tiếng nhiều áp lực đối với con người trong chuyện học hành, làm việc, phấn đấu… khiến cuộc sống của nhiều người trở nên mất cân bằng. Bởi thế, khi cuộc sống bức bí, thậm chí là bế tắc, người ta thường tìm đến những cách “không giống ai” để xả stress. Nhưng có lẽ, vào tù để …thư giãn mới thực sự là hình thức giải trí độc đáo.
Không có phạm nhân hay tội ác nào bị kết án trong nhà tù nằm ở tỉnh Hongcheon này của Hàn Quốc. Trái lại, các “tù nhân” có mặt ở đây một cách tự nguyện.
Mỗi ngày, họ tự giam mình trong buồng giam khoảng 20 tiếng đồng hồ mà không buồn liên lạc với thế giới bên ngoài. Họ gần như quên hết sự tồn tại của điện thoại, tin nhắn hay thư điện tử.
Bên trong các “buồng giam” đều không có bất kỳ trang trí nào ngoại trừ một toilet, một bồn tắm và một chiếc bàn nhỏ. Mỗi sáng, các “tù nhân” đều thức giấc vào lúc 6h sáng sau khi nghe thấy tiếng kinh phật phát trên loa gắn dọc lối đi ở hành lang. Sau đó, họ sẽ được “quản giáo” giao bữa sáng qua những ô cửa nhỏ.
Trên thực tế, đây là một trung tâm thư giãn. Trung tâm này là đứa con tinh thần của Kwon Yong-seok, một công tố viên đã về hưu.
Trước đây, ông Kwon đã từng làm việc 100 tiếng mỗi ngày. Điều đó đã bào mòn cả về thể chất lẫn tinh thần của ông. Áp lực trong công việc và cuộc sống đã khiến ông và vợ quyết tâm mở trung tâm này và đặt tên cho trung tâm là “Nhà tù trong tôi”.
Bà Noh Ji-Hyang, vợ của ông Kwon chia sẻ: “Chồng của tôi từng tâm sự rằng, ông ấy chỉ muốn được nghỉ cuối tuần trong nhà tù để tránh xa thế giới xô bồ và náo nhiệt ngoài kia. Đó chính là ý tưởng ban đầu của chúng tôi. Và chúng tôi đã hiện thực hiện ý tưởng đó vì biết đây sẽ là một phong cách sống hiện đại”
Được biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia làm thêm giờ nhiều nhất thế giới. Mỗi một người lao động ở quốc gia này thường làm hơn 2000 tiếng mỗi năm, tức là nhiều hơn 300 tiếng so với các quốc gia khác.
Nhịp sống hiện đại gấp gáp cùng với thời gian làm việc quá tải khiến cho nhiều người cảm thấy bế tắc. Và họ nhận thấy rằng, sự yên tĩnh trong những buồng giam chỉ rộng 5,5m2 này khiến cho họ cảm thấy dễ chịu.
Cô Ryu Seon-mi, một khách hàng ở trung tâm “Nhà tù trong tôi” chia sẻ, khi vào đây cô cũng giống như các khách hàng khác thường dành tất cả thời gian trong ngày để ngồi thiền và yên lặng ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài. Đôi khi, họ sẽ tham gia những buổi trị liệu tâm lý theo nhóm.
"Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vời vì tôi có thể dành nhiều thời gian đến thế cho chính bản thân mình. Bình thường, tôi luôn bận rộn. Là một trợ lý, tôi phải luôn ưu tiên sếp lên hàng đầu. Nhưng khi đến Nhà tù trong tôi, tôi nhận ra rằng, đáng lẽ, mình nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu nội tâm của mình nhiều hơn”, cô Ryu Seon-mi tâm sự.
Một khách hàng ở lại Nhà tù trong tôi trong 2 ngày sẽ trả mức phí 150.000 won (tương đương hơn 3 triệu VNĐ). “Nhà tù” này có 28 “buồng giam” và thường kín phòng vào 2 ngày cuối tuần.
Khi các khách hàng đến với trung tâm “Nhà tù trong tôi”, họ sẽ phải nộp lại điện thoại và mọi vật tùy thân khác, khoác lên người bộ đồng phục có ghi số hiệu như dành cho tù nhân rồi đi nhận phòng.
Khi ở đây, họ chỉ được phép sử dụng điện thoại một lần duy nhất trong ngày. Ban đầu, họ cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Sự lo lắng tăng dần cùng với quãng thời gian không được sử dụng điện thoại. Họ sợ đã bỏ lỡ những cuộc gọi, email, thông tin… quan trọng.
Nhưng sau đó họ đã quen dần và không còn cảm giác thấp thỏm lo âu nữa. Những người tìm tới “Nhà tù trong tôi” đều khẳng định rằng việc trị liệu ở đây đơn giản mà hiệu quả, giúp họ cải thiện được tình trạng căng thẳng, trầm uất trong cuộc sống.
Một người giấu tên sử dụng dịch vụ Nhà tù trong tôi chia sẻ: “Tôi mới nhận việc mới được 6 tháng và trong suốt 6 tháng ấy tôi chỉ biết lao lên về phía trước, không phút nào ngơi nghỉ. Lúc nào tôi cũng có cảm giác tôi sắp phát điên. Nhưng khi vào đây, tôi thấy tinh thần của mình như bình yên trở lại”.
Ở Hàn Quốc, việc trở thành một công dân “kiểu mẫu”, một con người thành đạt là mục tiêu hướng tới của tất cả mọi người. Cuộc cạnh tranh trong thị trường lao động ở Hàn Quốc cũng vì thế mà diễn ra ngày càng khốc liệt, khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi, chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Hoài Thanh (Theo CCTV)