Sinh viên làm mắt kính thông minh có thể đọc sách cho người mù
Chiếc mắt kính này có thể nhận diện được tiếng Việt và đọc lại nội dung bằng âm thanh cho người dùng với độ chính xác tới 89%.
Sản phẩm này là của Nguyễn Hoàng Minh Khôi, sinh viên Khoa công nghệ thông tin, ĐH RMIT Việt Nam. Sản phẩm này do Khôi lên ý tưởng và thực hiện khi là học sinh tường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Với chiếc mắt kính này, Khôi đã dùng trí tuệ nhân tạo để nhận diện tiếng Việt được in trên sách báo và đọc nội dung bằng âm thanh cho người dùng.
Cấu tạo hoạt động của kính gồm một hệ thống cảm biến ánh sáng, camera thu nhận hình ảnh văn bản để chuyển về điện thoại phân tích để nhận diện chữ viết với hệ thống Google Vision kết hợp với Tesseract (kỹ thuật giúp nhận dạng ký tự trên một bức ảnh). Sau quá trình phân tích, hệ thống sẽ phát âm thanh đọc được qua loa. Hiện tại chiếc kính của Khôi có thể đọc nội dung văn bản ra âm thanh với độ chính xác lên tới 89%.
Khôi kể, lý do để làm chiếc kính thần kỳ này xuất phát từ quãng thời gian làm tình nguyện viên tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, Khôi được tiếp xúc với các em học sinh khiếm thị, đồng cảm với khó khăn của các em, và quyết định tìm giải pháp bền vững hơn để hỗ trợ việc học cho các em.
“Doanh nghiệp và các tổ chức thường quên mất nhu cầu của người khuyết tật”, Khôi cho biết. “Tài liệu và dụng cụ học tập thường được thiết kế cho số đông. Mình muốn phá vỡ rào cản này và đem đến cho người khuyết tật trải nghiệm học bình đẳng”.
Sau quãng thời gian nghiên cứu và thử nghiệm cho kết quả tốt, Khôi đã chia sẻ công thức và hướng dẫn cho kỹ thuật viên của nhiều tổ chức cách lắp ráp cặp kính thông minh. Với hỗ trợ tài chính từ các mạnh thường quân, 50 cặp kính thông minh đã được lắp ráp và gửi tặng các em học sinh cần đến chúng.
Bên cạnh việc giúp đỡ các em học sinh trong quá trình học, Khôi còn rất thích lan tỏa tình yêu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đến các em nhỏ với mong muốn góp phần phát triển khoa học kỹ thuật cho nước nhà.
Khôi sáng lập dự án cộng đồng mang tên “InspireX” vào năm 2018 để truyền cảm hứng học STEM cho các em học sinh thông qua những hoạt động thú vị. Trong vòng một năm, InspireX đã hợp tác với nhiều chuyên gia trong ngành tổ chức năm buổi học giúp các em học sinh có được trải nghiệm thực tiễn và thay đổi cách nhìn nhận về STEM.
“Quy mô lớp học mở rộng dần theo thời gian, từ 30 đến 150 học viên cho mỗi buổi. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ bé so với số lượng học sinh thực tế ngoài xã hội”, Khôi nói. “Mình hy vọng InspireX sẽ được mở rộng và mang STEM đến các vùng nông thôn, để có thể đóng góp vào sự phát triển tiềm năng của ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật Việt Nam”.
Khôi khuyên các bạn đồng trang lứa hãy bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm nhiều thứ nhất có thể vì các bạn vẫn có nhiều thời gian để có thể thử nghiệm và khám phá. Mỗi người cần thử và thất bại nhiều lần để biết mình muốn gì. Mỗi người có quá trình tự khám phá bản thân khác nhau, nên đừng cảm thấy bị áp lực.
Sản phẩm mắt kính thông minh cho người khiếm thị của Khôi đã vào tới vòng chung kết cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế 2018 (Intel ISEF 2018) diễn ra tại Mỹ với dự án NeoEyes.
Với những khát vọng sáng tạo, hướng tới cộng đồng của mình, mới đây Khôi đã nhận được học bổng do Hiệu trưởng của ĐH RMIT Việt Nam trao tặng.
Vĩnh Hàn