Nữ sinh đam mê nghiên cứu sáng tạo
Tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 4, năm 2019, sản phẩm “Chế tạo sản phẩm thân thiện với môi trường từ cây sắn dây rừng” của em Lò Thị My Lan, cựu học sinh lớp 9B, Trường PTDT Bán trú TH&THCS Nậm Lạnh (Sốp Cộp) và em Tòng Văn Tâm, học sinh lớp 8B cùng trường được xếp hạng xuất sắc. Sản phẩm của các em còn đoạt giải Khuyến khích cuộc thi toàn quốc lần thứ 15, năm 2019.
Em Lò Thị My Lan hiện là học sinh lớp 10, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Cô học trò thông minh, rất yêu thích nghiên cứu khoa học. Ban đầu việc mày mò nghiên cứu khoa học của Lan chỉ là niềm vui, sở thích để giải tỏa sau những giờ học căng thẳng và dần dần đã trở thành niềm đam mê. My Lan chia sẻ: Đầu năm học lớp 9, em tham gia một số chương trình tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa. Em thấy môi trường là một vấn đề còn nhiều bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, nguyên nhân chủ yếu là do trong sinh hoạt hằng ngày, người dân thường xuyên sử dụng túi ni-lon, hộp xốp... đây là loại rác thải khó xử lý, không phân hủy được trong môi trường tự nhiên. Vì thế, em muốn làm ra một sản phẩm có khả năng thay thế một số vật dụng nhựa, ni-lon hàng ngày... góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê có nhiều cây sắn dây rừng, người dân chỉ mới khai thác củ và hạt làm thuốc, thân cây chỉ dùng để buộc củi. Nhận thấy tiềm năng từ thân cây sắn dây rừng, My Lan đã lên mạng tìm hiểu, tra cứu, biết được thân cây sắn dây rừng dai, dài và rất bền, nếu sơ chế có thể dùng làm dây buộc, dây đan... đặc biệt sợi xenlulozơ trong thân cây rất dài có thể tách làm sợi vải. Nên em quyết định chọn thân cây sắn dây rừng để làm ra sản phẩm hữu ích.
Áp dụng kiến thức đã học và tra cứu thêm trên mạng Internet, được cô giáo Đoàn Thị Mẫn hướng dẫn, cùng sự đồng hành, hỗ trợ của bạn Tòng Văn Tâm, My Lan đã thực hành, nghiên cứu tìm kiếm các phương pháp sơ chế. Sau nhiều lần thử nghiệm, hai em đã rút ra được 3 phương pháp dùng để sơ chế thân cây sắn dây rừng. Dẫn chúng tôi đến xem nơi thí nghiệm, My Lan cho biết: Đây là phương pháp sơ chế sinh học, bằng cách sử dụng những nguyên vật liệu sẵn có, thân thiện với môi trường như: Cỏ xà phòng, chanh... sau khi ép hết nước từ thân cây ra, ngâm phần thân đó trong nước cỏ xà phòng từ 8-10 ngày, đến khi thấy thu được sợi, phần vỏ thân phân hủy, tiếp tục cho vào nồi luộc với chanh cắt lát mỏng từ 1-2 giờ rồi vớt ra phơi khô là có thể sử dụng được. Ưu điểm của phương pháp này là sợi thu được mềm, dai, bền và sáng màu, hoàn toàn hữu cơ, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như hóa học, thủ công, tuy nhiên em thấy các phương pháp này chưa tối ưu được đặc tính của sợi.
Sau khi sơ chế thành công, sợi cây sắn dây rừng được hai em đan thành vật dụng gia đình như giỏ xách, sọt đựng đồ… Sản phẩm khi hình thành khá bắt mắt, độ bền cao, thân thiện với môi trường. Chị Tòng Thị Pọm, bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) là người sử dụng sản phẩm do các em làm ra, cho biết: Sản phẩm được làm từ sợi cây sắn dây rừng rất thân thiện với môi trường, sản phẩm lạ mắt, rất đẹp và bền, hàng ngày tôi sử dụng để đi chợ, đựng đồ, rất tiện lợi. Trong bản của tôi cũng có một số người đang sử dụng các sản phẩm của các em làm ra vào các công việc hàng ngày.
Ngoài việc tiếp tục phát triển sản phẩm đã nghiên cứu thành công, hiện nay, Lò Thị My Lan đang nghiên cứu thêm công trình về bảo vệ môi trường là máy vớt rác trên mặt nước... Với thành tích là học sinh giỏi trong suốt 9 năm học, cộng với giải thưởng xuất sắc tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 4, năm 2019, sẽ giúp My Lan vững tin trong học tập và tiếp tục thực hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Trung Hiếu (báo Sơn La)