Học sinh làm thiết bị nuôi vi tảo để lọc không khí
Ý tưởng của nhóm học sinh này là làm thiết bị nuôi vi tảo, dùng cơ chế quang hợp để hấp thụ khí CO2 và thải ra khí Oxy.
Với ý tưởng này, đội ACP gồm 3 thành viên: Lê Minh Ánh Ngọc, Phạm Phương Thúy, Nguyễn Chương Kỳ đến từ Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM, đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh xanh.
Theo đại diện đội ACP, thiết bị nuôi vi tảo để lọc khí có tên là ASAP (Air sensor and purifier). Đây thực chất là một cái máy nuôi vi tảo, dùng cơ chế quang hợp để hấp thụ khí CO2 và thải ra khí Oxy.
Thiết bị chứa tảo và nước theo định lượng cho trước, được kết nối với điện thoại thông minh giúp theo dõi chất lượng không khí và tình trạng vi tảo. Khi không khí ở mức nguy hiểm, loa trên thiết bị sẽ tự động bật lên. Thông qua tín hiệu từ loa hoặc phần mềm trên điện thoại, người dùng sẽ biết thời gian phù hợp để thay tảo và nước. Chi phí để sản xuất ASAP khoảng từ 800.000 - 1 triệu đồng.
Ngoài giải nhất, ban tổ chức cũng đã trao giải nhì cho đội HDB Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) với ý tưởng tái sử dụng nước rửa tay, và giải ba cho Đội HLK Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh).
Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh xanh là cuộc thi dành cho học sinh THPT tại Việt Nam do Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) phối hợp cùng ĐH Deakin (Australia) tổ chức.
Sau gần 5 tháng tổ chức, cuộc thi thu hút gần 50 thí sinh tham gia với nhiều ý tưởng mới mẻ. Các thí sinh đăng kí thi theo hình thức nhóm, đội với 4 thành viên của cùng một trường. Các đội thực hiện một video clip có độ dài từ 10-15 phút để trình bày ý tưởng, đề xuất sáng kiến, đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề môi trường tại Việt Nam.
6 đội xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng chung kết và có 20 phút thuyết trình bằng tiếng Anh trước Ban Giám khảo.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi không chỉ tạo sân chơi cho học sinh, củng cố kiến thức về môi trường, thể hiện khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, mà còn giúp truyền cảm hứng, nâng cao ý thức của các bạn trẻ và đưa ra các giải pháp hữu ích thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.
Phương Hà