Sinh viên phát minh ứng dụng hỗ trợ nhận dạng ký tự quang học giúp liệu thông tin nhanh chóng

Thay vì điền bằng tay, người dùng chỉ cần chụp ảnh và trí tuệ nhân tạo sẽ xử lí phần việc còn lại.

2.jpg

Hiện nay, tại các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện... thường bị ùn tắc ở bước điền thông tin. Quy trình thông thường là khách hàng phải điền thông tin thủ công vào các form, sau đó nhân viên hành chính phải nhập lại các thông tin đó vào máy tính để lưu trữ và xử lý dữ liệu. Bước nhập liệu mất rất nhiều thời gian và công sức (tốc độ viết tay trung bình là 20 từ/phút, tốc độ đánh máy trung bình là 41 từ/phút).

Trăn trở trước thực trạng trên, nhóm tác giả Phan Văn Hoài Đức, Hà Quốc Anh Kiệt (sinh viên Trường đại học Mở TP.HCM) dưới sự hướng dẫn của TS. Trương Hoàng Vinh đã bước đầu bắt tay nghiên cứu và phát triển các ứng dụng hỗ trợ nhận dạng ký tự quang học.

Chủ nhiệm đề tài, bạn Hoài Đức cho biết, quá trình bắt đầu tìm hiểu giải pháp cho vấn đề này, nhóm nhận thấy rằng có thể giải quyết bài toán này bằng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, người dùng chụp ảnh chứa bảng điểm, chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD). Sau đó, hệ thống sẽ sử dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo để tìm, đọc các trường thông tin và trả về kết quả tương ứng. 

Hiện nhóm nghiên cứu đã phát triển 3 ứng dụng chính:

Ứng dụng nạp thẻ cào điện thoại bằng camera: Giúp nạp thẻ cào nhanh bằng camera. Ứng dụng này giúp người già, người mắt kém có thể nạp thẻ điện thoại mà không cần đọc mã thẻ hay nhớ cú pháp nạp thẻ.

Ứng dụng đọc các trường thông tin từ thẻ CMND/CCCD: Giúp các cơ quan, doanh nghiệp có thể nhập thông tin trong CMND/CCCD một cách nhanh chóng. Qua đó, giúp giảm thời gian, giảm nhân công và tiết kiệm tài nguyên do không cần phải điền vào các form giấy.

Ứng dụng đọc điểm viết tay từ bảng điểm: Giúp các trường học có thể nhập điểm từ các bảng điểm vào hệ thống nhanh và giảm nhân công.

1.jpg

Hiệu quả kinh tế của đề tài đem lại cho thấy, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện thì việc mướn nhân công để nhập một lượng dữ liệu lớn sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Thay vào đó, khi sử dụng Hệ thống nhận dạng ký tự quang học đã có thể khắc phục tất cả những vấn đề trên.

"Hệ thống giúp số hoá các loại giấy tờ, hoá đơn, qua đó giúp thông tin có thể được lưu trữ và tìm kiếm một cách dễ dàng. Đồng thời giúp giảm thời gian, chi phí nhập liệu và xử lý được lượng dữ liệu lớn trong các cơ quan, doanh nghiệp", Hoài Đức cho hay. 

Mới đây, ứng dụng đọc thông tin trên CMND/CCCD đã được thương mại hóa thành công qua việc bán cho một doanh nghiệp về tài chính, giúp tự động hoá quá trình chứng thực bằng CMND/CCCD.

Còn ứng dụng nạp thẻ bằng camera cũng đã được đăng trên CH Play và phục vụ miễn phí cho cộng đồng qua địa chỉ: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.phanduc.cardscanner

3.jpg

Ứng dụng đọc điểm từ bảng điểm cũng sắp được triển khai thực nghiệm và đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Về hướng nghiên cứu tiếp theo tới đây, nhóm dự định sẽ tiến hành nâng cao độ chính xác của hệ thống để áp dụng vào đọc các loại giấy tờ, văn bản khác và xây dựng các thiết bị rời giúp hệ thống dễ dàng triển khai trong thực tế.

Thời gian qua, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, dữ liệu và nhân lực từ trường Đại học Mở TP.HCM, cũng như từ phía công ty tài chính. Đây cũng là đề tài đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo phần mềm ứng dụng dành cho sinh viên lần 1 năm 2019 do Hội sinh viên Việt Nam TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.

Mai Dung