Sinh viên làm gậy thông minh giúp dẫn đường, 'báo động' khi người khiếm thị ngã
Ngoài tính năng dẫn đường, giúp tránh chướng ngại vật, gậy thông minh của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng còn biết 'báo động' khi người khiếm thị bị ngã.
Đó là sản phẩm của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Theo Lê Quốc Tín - sinh viên năm 4, trưởng nhóm nghiên cứu, gậy dò đường thông minh gồm 3 phần chính: tay cầm, cảm biến và hộp điều khiển trung tâm.
Cảm biến được đặt ở nhiều nơi trên gậy, như ở phần chân cho mục tiêu phát hiện các vật cản nhỏ, 3 cảm biến ở phần giữa để dò ra các chướng ngại kích thước lớn hơn.
Quốc Tín cho biết thêm một chức năng quan trọng khác của gậy là thông báo cho người nhà khi người thân gặp nạn. Cụ thể khi tai nạn xảy ra, gậy có thể tính toán thời gian "nằm bất động" của mình, đồng nghĩa với việc người dùng đang gặp sự cố, nhờ đó hộp điều khiển trung tâm có gắn một thẻ sim điện thoại có thể tự động nhắn tin hoặc thực hiện các cuộc gọi đến người thân của người dùng, thông báo vị trí GPS giúp nhanh chóng tìm kiếm.
Gậy thông minh này còn được tích hợp nhiều tính năng khác như phần tay cầm có gắn đèn, còi để tạo sự chú ý với những người xung quanh. "Bọn mình đang đánh giá thị trường và tiếp tục tích hợp ứng dụng chỉ đường như Google Maps cho người khiếm thị thông qua cây gậy này" - Quốc Tín nói.
Theo TS Võ Như Thành - khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), sản phẩm có thể đi theo hướng sử dụng nguồn năng lượng xanh, hoặc có thể bổ trợ thêm các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, qua đó cá nhân hóa việc sử dụng gậy thông minh.
Chẳng hạn gậy có thể "học" được thói quen đi lại, những chỉ số khi di chuyển của người dùng, từ đó giúp việc hỗ trợ trở nên hữu ích hơn.
Hoàng Thi (Tuổi trẻ)