Học sinh trường chuyên sáng chế chân giả thông minh cho người khuyết tật

Thấy việc di chuyển bằng nạng hay chân giả của người khuyết tật còn nhiều bất tiện nên Xuân đã sáng tạo ra chân giả có thể tự chuyển động hai khớp chân.

1.jpg

Sau nhiều tháng mày mò, tìm hiểu và vật lộn với một đóng linh kiện điện tử, bạn Trương Thanh Xuân (học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn, Đà Nẵng) đã cho ra đời sản phẩm “chân giả linh hoạt cho người khuyết tật”.

Mang sản phẩm đến tham dự cuộc thi U – Invent mùa thứ hai với chủ đề “sáng tạo vì sức khỏe cộng đồng” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK – Đại học Đà Nẵng), Xuân đã khiến ban giám khảo kinh ngạc, thán phục.

Không chỉ bằng kiến thức và tính sáng tạo, sản phẩm của Xuân còn được đánh giá cao bởi tính nhân văn và khả năng ứng dụng cao vào thực tế.

Chia sẻ về sản phẩm của mình, Xuân cho biết, đây là một thiết bị thông minh hỗ trợ đắc lực cho người khuyết tật. Nó được thiết kế di chuyển mô phỏng theo chân con người và sử dụng cảm biến cơ bắp.

“Sản phẩm của em hoạt động bằng 2 cách. Thứ nhất, là di chuyển theo mô phỏng chân con người nhờ vào bộ tiếp nhận thông tin từ chân bình thường và cơ cấu truyền lực.

Với cách này, người dùng phải mang chân giả và một bộ điều khiển sử dụng.

Cách thứ hai là sử dụng cảm biến cơ bắp. Tức là sử dụng sensor để nhận tín hiệu từ bắp chân giúp chân di chuyển. Cách này tiện lợi hơn khi người dùng chỉ việc mang trực tiếp sản phẩm và di chuyển”, Xuân nói.

Để cho ra đời đôi chân giả tự chuyển động, Xuân đã phải “ngốn” khá nhiều thời gian để tìm tư liệu, kiến thức cũng như ứng dụng những công nghệ mới nhất về tự động hóa.

Được sự hướng dẫn của các chuyên gia về công nghệ thông tin, phần mềm, sau gần hai tháng, cậu học sinh trường chuyên đã cho ra lò sản phẩm độc đáo của mình.

Đằng sau sáng kiến chân giả thông minh cũng là một câu chuyện đầy ý nghĩa, nhân văn mà Xuân muốn dành tặng cho người khuyết tật.  

“Trong một lần được tham gia buổi hoạt động thiện nguyện tại cơ sở cho những người khuyết tật, em nhận thấy việc duy chuyển bằng cách dùng nạng, chân giả của nhiều cô chú khuyết tật ở chân khá khó khăn và bất tiện.

Em khá bất ngờ khi nhìn thấy và quan sát kỹ chân giả của các cô chú ở đây bởi nó quá đơn giản và “cứng” trong việc di chuyển, cử động.

Bởi các loại chân của cô chú chỉ là một khối có bề ngoài giống một cái chân và được gắn trực tiếp thay thế cho phần cụt. 

Em bắt đầu suy nghĩ liệu mình có thể tạo ra một chân giả tốt hơn khi có thể tự chuyển động hai khớp chân dành cho hai đối tượng là bị tật dưới gối và trên gối”, Xuân chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Anh Tú, kỹ sư phần mềm cao cấp tại Công ty phần mềm Sioux Đà Nẵng (thành viên ban giám khảo cuộc thi) nhận xét, sản phẩm này giúp việc đi lại của người khuyết tật trở nên thanh thoát, tự nhiên hơn, không cần tốn nhiều lực cho việc đứng lên, ngồi xuống hay việc đi lại nhờ vào sự tùy chọn lắp các khớp.

Ông Tú cho rằng, mặc dù chỉ mới là học sinh cấp 3 nhưng Xuân đã có những sáng tạo trong ứng dụng những kiến thức lý thuyết để vận dụng vào thực tiễn.

“Trên nền tảng những bo mạch được cung cấp, Xuân đã tạo ra một sản phẩm có tính ứng dụng rất cao”, ông Tú nói.

An Nguyên