Khi phong tục trở thành nghệ thuật

Nằm cách thành phố Krakow, Balan gần 100 km về phía đông nam, làng Zalipie có biệt danh là “Ngôi làng tranh vẽ” này hấp dẫn đặc biệt vì những họa tiết bông hoa đầy màu sắc, xuất hiện không chỉ trên khắp các bức tường cả bên trong lẫn bên ngoài những ngôi nhà nhỏ, mà còn cả trên những vật dụng gia đình và các kiến trúc công cộng.

polish-village-floral-paintings-zalipie15-5892eba6ed71c__880.jpg

Trên thực tế, những họa tiết hình hoa sặc sỡ có mặt ở khắp nơi trong làng Zalipie là kết quả của một phong tục xuất hiện cách đây hơn một thế kỉ ở ngôi làng này.

Vào thời đó, bếp củi là công cụ phổ biến để nấu nướng và sưởi ấm trong những ngôi nhà khá bí bách trong làng, vì thế sau một thời gian sử dụng bếp củi, muội than và khói ám lên trần và tường nhà, khiến cho những ngôi nhà loang lổ những vết than và khói đen.

Để che đi những khiếm khuyết đó, những người phụ nữ trong làng lúc đã tự mình thực hiện công việc trang trí. Họ tự tạo ra cọ vẽ bằng lông đuôi bò cái, làm sơn từ mỡ trong quá trình nấu nướng và thuốc nhuộm.

Họ đã sử dụng công cụ và chất liệu tự chế trên để vẽ nên những họa tiết có hình những bông hoa chồng lên khoảnh tường ám muội và khói, cho đến khi mọi ngôi nhà trong làng đều có hoa trên tường. Mỗi năm vào lễ Thánh thể vốn là thời điểm nông nhàn, những người phụ nữ lại tô vẽ những ngôi nhà của họ.

polish-village-floral-paintings-zalipie23-5892ebc15e36e__880.jpg

Cho đến ngày nay, dù ống khói và hệ thống thông hơi hiện đại hơi đã thay thế những bếp củi đầy muội than, phong tục “vẽ hoa lên tường” không những vẫn được duy trì và trở thành một nét đặc trưng của ngôi làng, mà còn nó phát triển và mở rộng sang nhiều đồ vật và công trình khác.

Các họa tiết giờ đây ngày càng tinh xảo hơn, nhiều màu sắc hơn, và được lấy cảm hứng từ thiên nhiên và câu chuyện cổ. Các loại sơn và công cụ được sử dụng cũng hiện đại hơn.

Thêm vào đó, những tác phẩm hội họa giờ đây xuất hiện trên mọi thứ trong làng chứ không chỉ riêng tường và trần của từng ngôi nhà. Từ bếp và giếng cho đến nhà cho chó và chuồng gà, chuồng ngựa; từ nhà kho cho đến cầu, nhà thờ, thậm chí cả những khoảnh tường ngoài phố; tất cả đều được bao phủ hoa lá và sắc màu.

Phong tục này có ảnh hưởng đến người dân đến mức có cả một cuộc thi trang trí nhà bằng họa tiết hoa lá có tên là Malowana Chata, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1948 với mục đích ban đầu là hỗ trợ cho các nạn nhân của Thế chiến II.

Đặc biệt hơn nữa, có cả một ngôi nhà trong làng được dùng làm bảo tàng nhờ vẻ cầu kì và mức độ trang trí dày đặc của nó sau khi chủ nhà - một phụ nữ yêu thích công việc “vẽ hoa lên tường” đến mức ám ảnh - qua đời.

Hơn 100 năm trôi qua, phong tục độc đáo đã khiến ngôi làng không chỉ trông sống động hơn, mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu về một ý tưởng trang trí tưởng chừng đơn giản nhưng lại cực kì hiệu quả - hoặc là họ chỉ muốn thư giãn ở một ngôi làng nhỏ để tận hưởng cuộc sống thanh bình và những tác phẩm nghệ thuật bất đắc dĩ ở đó.

Quốc Huy