Ám ảnh smartphone không khác gì căn bệnh béo phì

Việc những chiếc điện thoại thông minh thâm nhập và ám ảnh con người hiện nay đã khiến nhà tâm lý học, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ, bà Sherry Turkle ví nó như một căn bệnh xã hội: Bệnh béo phì.

rts1eopq.jpg.png

Bà nói: “Công nghệ và đồ ăn đều là những thứ thiết yếu trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách. Chúng ta phải ăn để sống nhưng cũng phải biết chọn những đồ ăn có lợi cho sức khỏe, và đối với công nghệ cũng vậy.”.

Đã hơn hai thập kỉ qua, Turkle luôn được biết đến là một diễn giả hàng đầu về vấn đề tác động của công nghệ với cộng đồng, tác giả của cuốn sách “Kết nối nhưng đơn độc: Tại sao chúng ta trông mong nhiều hơn từ công nghệ chứ không phải từ những người khác?”.

Số liệu từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu, phỏng vấn cho thấy mỗi người ‘quẹt’ điện thoại tới 2.600 lần mỗi ngày. “Điều đó có thể làm người ta lãng quên cuộc sống, làm quên đi các mối quan hệ, những người xung quanh và thậm chí quên luôn cả những cảm xúc của chính mình.” - Giáo sư Turkle nói.

Công nghệ cho cá nhân được thiết kế như đồ ăn sẵn

Turkle ví công nghệ như tấm gương phản ánh ngành công nghiệp thực phẩm. Các công ty chế biến thực phẩm cung cấp đồ ăn với lượng đường cao và các chất hóa học làm thành một dạng chất kích thích thu hút người ăn, còn các công ty công nghệ liên tục đưa ra các ứng dụng để tối đa thời gian sử dụng của người dùng.

Sherry Turkle

Sherry Turkle

Cựu quản lý điều hành sản phẩm của Google, ông Tristan Harris tiết lộ rằng các tập đoàn công nghệ luôn có những mánh khóe kỹ thuật như các video tự phát, hiệu ứng tự động cuộn trang vô tận, hay các trò chơi điện tử để đảm bảo người dùng sử dụng các ứng dụng của họ liên tục.

Đó là lí do tại sao chúng ta chỉ định xem một video trên Youtube hay ngó qua Facebook một lúc nhưng cuối cùng lại mất nguyên cả tiếng đồng hồ.

Cứ thế cả xã hội đắm chìm trong công nghệ mọi lúc mọi nơi, không màng đến những ảnh hưởng của nó đến cuộc sống, sẵn sàng đánh đổi một giấc ngủ ngon vì công nghệ. Công nghệ thực chất là một thứ kẹo ngọt tẩm đường có khả năng ‘hack’ não người sử dụng.

Các nghiên cứu về hành vi gây nghiện phần lớn ủng hộ quan điểm của Turkle. Sự tiếp nhận vị ngọt hay mặn có khả năng kích hoạt trung khu tương thưởng của não bộ. Các biểu tượng thông báo, rung, hoặc chuông từ điện thoại cũng có tác động tương tự như vậy.

Mỗi lần nhận thông báo, não bộ sẽ giải phóng một lượng nhỏ dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh tạo cho ta cảm giác vui sướng thích thú, từ đó người sử dụng có xu hướng lặp lại hành động tiếp tục sử dụng diện thoại.

Nhưng có lẽ chỉ đổ lỗi cho cách mà các công ty thiết kế ra các ứng dụng thì chưa đủ, quan trọng hơn là ý chí của người dùng có đủ mạnh để chống lại những cám dỗ công nghệ hay không, cũng giống như căn bệnh béo phì, dù rất nhiều biện pháp nhưng tỉ lệ béo phì vẫn tăng cao.

Việc lạm dụng công nghệ trở thành căn bệnh của cộng đồng

Thực tế ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại thông minh, việc lạm dụng công nghệ này vô cùng nguy hiểm. Các trường hợp tự tử ở tuổi vị thành niên hiện nay còn nhiều hơn các tội giết người ở độ tuổi này.

Các chuyên gia về sức khỏe tinh thần nghi ngờ rằng việc lạm dụng smartphone là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Đặc biệt, mạng xã hội còn khiến trẻ em có xu hướng tự cô lập chính mình thay vì hòa nhập với xã hội.

Từ kết quả các cuộc phỏng vấn của mình, bà Turkle cho rằng cha mẹ đang dần nhận ra mối nguy hại và tầm ảnh hưởng của công nghệ đối với con cái.

Họ bắt đầu có những biện pháp hạn chế việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ. Bà cũng hi vọng rằng một thời gian dài sau năm 2007, năm iPhone xuất hiện, chúng ta nhìn lại thập kỷ đã qua và nhận ra rằng đó là thời kì của “nỗi ám ảnh công nghệ ngu xuẩn”

“Tôi hi vọng chúng ta sẽ nhìn nhận thời kì này như một sai lầm to lớn khi đã hiểu sai những điều mà công nghệ có thể làm.” - Bà nói.

Thu Hà - Theo Business Insider