Robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy “made in” Việt Nam

Robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy, do kỹ sư Lê Anh Kiệt, Công ty AKB Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công, có giá bán bằng ½ so với sản phẩm nhập ngoại. Đây là một trong số những đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tài trợ kinh phí, kỹ sư Kiệt làm chủ nhiệm.

Kỹ sư Kiệt đang giới thiệu về ưu điểm của robot VNR-T1.

Với tên gọi VNR-T1, robot này có khớp xoay dạng đứng, trọng lượng 25kg, có thể làm việc trong bán kính tối đa là 610m, tốc độ lớn nhất 600mm/giây, trọng tải tối đa là 1kg và có độ chính xác lặp lại trong khoảng 0,8mm... VNR-T1 có điểm đặc biệt là bộ điều khiển tích hợp 5 driver cho 5 trục được tích hợp trên 1 board mạch duy nhất nhỏ gọn và được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Kỹ sư Kiệt cho biết, anh bắt tay nghiên cứu và chế tạo sản phẩm từ năm 2014, trải qua rất nhiều khó khăn vì phải tìm kiếm các linh kiện phụ trợ phù hợp, đến năm 2016, sản phẩm đã được nghiệm thu. Điều đặc biệt là, sản phẩm này được nội địa hóa lên phần công nghệ cao lên tới 90%. Dù chip phải nhập ngoại, nhưng là chip trống, toàn bộ phần điều khiển đều do kỹ sư Kiệt cùng cộng sự lập trình.

Robot VNR-T1 có giá bán 200 triệu đồng/bộ, bằng 1/2 so với robot ngoại nhập.

Theo kỹ sư Kiệt, so với sản phẩm nhập ngoại, giá bán của robot này rẻ bằng ½ nhưng có kèm theo đầy đủ Bộ tài liệu thực hành về robotics. 

Với robot này, các trường và các cơ sở đào tạo có thể thay đổi lập trình ở nhiều lớp để chủ động trong việc giảng dạy, điều này thường không có ở các sản phẩm ngoại nhập vì mỗi yêu cầu thay đổi với robot giảng dạy sẽ bị tính phí.

VNR-T1 đã bán được hơn 12 bộ, cho các cơ sở đào tạo trên cả nước. Trong đó Đại học Việt Đức mua 2 bộ. Đặc biệt, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, một trong những cơ sở đào tạo về công nghệ hàng đầu tại Việt Nam cũng đã chọn mua 3 bộ robot này.

Robot công nghiệp 6 bậc tự do đang được kỹ sư Kiệt nghiên cứu và phát triển. 

Hiện kỹ sư Kiệt tiếp tục được Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển một loại robot công nghiệp 6 bậc tự do mới phục vụ trong việc sản xuất công nghiệp, có độ chính xác cao, cho phép xử lý đối tượng một cách tự do trong không gian ba chiều, mô phỏng đầy đủ hoạt động của cánh tay người.

 
 

Vân Ly