Quạt thông minh điều chỉnh gió theo thời tiết


Với sự hướng dẫn của Thầy giáo, Nguyễn Mạnh Tường, học sinh trường trung học cơ sở Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chế thành công quạt thông minh tự động điều khiển tốc độ gió theo sự thay đổi nhiệt độ của môi trường. Chiếc quạt này dùng điện lưới nhưng có thể chuyển sang chạy bằng năng lượng mặt trời khi cần.

Sản phẩm này đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

Quạt điện tự động điều tốc theo nhiệt độ thực của môi trường, tốt cho sức khỏe người dùng khi ngủ. 

Tốt cho sức khỏe  

Tường cho biết, thường vào buổi tối thì thời tiết nóng nực nên nhiều gia đình thường dùng quạt để làm mát. Tuy nhiên càng về khuya, nhất là đầu giờ sáng thì trời lạnh do nhiệt độ xuống thấp. Mặc dù hiện nay có nhiều loại quạt hẹn giờ nhưng nếu quên cài giờ mà ngủ quên thì có thể gây nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

“Đồng thời, để tiết kiệm điện và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, em nghĩ cần chế tạo một thiết bị có khả năng chuyển đổi qua lại giữa điện lưới và năng lượng mặt trời một cách thông minh trong những lúc cần thiết”, Tường cho biết.

Trong vòng 2 tháng, Tường tiến hành tìm kiếm vật liệu và hoàn thành xong sản phẩm. Các bộ phận chính của chiếc quạt bao gồm, pin mặt trời, ắc quy 12V, cảm biến nhiệt độ, cảm biến ánh sáng, vi điều khiển, quạt điện 12V, đế và hộp mica, đèn ngủ, các công tắc và nút điều chỉnh… Trong đó, Tường có tận dụng một số linh kiện điện tử cũ được kiếm từ bãi phế liệu.

Quạt có 2 phần chính, đó là bộ chuyển đổi tự động giữa năng lượng mặt trời, điện lưới và các bộ phận cảm biến.

Ở chế độ ưu tiên điện lưới, quạt sẽ lấy điện từ điện lưới quốc gia để sử dụng. Khi điện lưới quốc gia gặp sự cố mất điện, quạt tự động chuyển qua sử dụng nguồn điện mặt trời.

Ở chế độ ưu tiên điện mặt trời, quạt sử dụng điện ắc quy để hoạt động. Khi ắc quy yếu điện xuống dưới 11V, rơle sẽ chuyển quạt sang sử dụng điện lưới quốc gia. Đến khi ắc quy được pin mặt trời sạc đầy điện trở lại (đủ 13,8V), quạt sẽ chuyển về lại chế độ năng lượng mặt trời.

Tác giả nhận giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

Tiết kiệm điện

Theo Tường, nhờ có các bộ phận cảm biến, quạt có khả năng tự động điều khiển tốc độ theo sự thay đổi nhiệt độ của môi trường. Nghĩa là, nhiệt độ môi trường càng tăng, quạt chạy càng mạnh và ngược lại.

Ngoài ra, quạt có chức năng tự động bật tắt khi có hoặc không có người, bật tắt đèn ngủ khi trời tối hay sáng; đồng thời, tự động chuyển đổi qua lại giữa năng lượng mặt trời và điện lưới khi một bên không đảm bảo.

Tường cho biết, đây là thiết bị tận dụng vật liệu phế thải có khả năng ứng dụng vào thực tế để tiết kiệm điện. Ngoài các vật liệu tận dụng được, tổng kinh phí bỏ ra cho việc chế tạo không quá 800.000 đồng. Quạt có bổ sung thêm một số tính năng mà các sản phẩm trên thị trường chưa thấy tích hợp. Hiện chiếc quạt này đang được gia đình Tường sử dụng.

Hiện nay, tác giả đang nghiên cứu nâng cấp công suất quạt lên mạnh hơn để sử dụng được những nơi có không gian rộng hơn. Đồng thời, gắn thêm module HC05, bổ sung tính năng điều khiển qua bluetooth bằng điện thoại Adroid hoặc sử dụng thêm điều khiển từ xa nhằm tăng cường tính thuận tiện cho người dùng.

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Giáo viên hướng dẫn Tường nhận xét, chiếc quạt này có thể nhân rộng sản xuất thiết bị này nhanh chóng vì các chi tiết không hề phức tạp. Khả năng ứng dụng của nó cũng rộng rãi, từ những hộ gia đình đến công sở, từ mô hình sản xuất nhỏ đến sản xuất công nghiệp.

Nhật Tuấn