Dự án cây nhà lá vườn của học trò miền quê giành giải Kiến tạo Tương lai

Dù chưa được tiếp xúc nhiều với công nghệ hiện đại nhưng nhóm học sinh đến từ Bến Tre vẫn giành giải Nhất cuộc thi Kiến tạo Tương lai với phần thưởng lên tới 72.5 triệu đồng.

Nhóm C3T3 xuất sắc giành giải Quán quân của cuộc thi Kiến tạo Tương lai 2019

Nhóm C3T3 xuất sắc giành giải Quán quân của cuộc thi Kiến tạo Tương lai 2019

Kiến tạo Tương lai - Solve for Tomorrow là cuộc thi tập trung vào các lĩnh vực Giáo dục, Môi trường, Y tế và Sức khỏe, được khởi xướng từ năm 2009. Thật bất ngờ khi giải nhất cuộc thi lại không đến từ các học sinh thành thị.

Khi ý tưởng xuất phát từ thực tế

Vượt qua vòng thi sơ khảo với sự tham dự của 114 đội thi, nhóm C3T3 đã cùng 5 đội khác lọt vào vòng chung kết và xuất sắc giành giải Nhất. Nhóm gồm 6 thành viên đến từ trường TH - THCS Phước Hiệp, Bến Tre là Nguyễn Nhật Minh (nhóm trưởng), Phạm Hà Anh Thư, Nguyễn Phương Ngân, Nguyễn Đào Huyền Trang, Mai Thị Thảo Quyên, Lê Nguyễn Yến Nhi.

Nhóm học sinh được cô giáo hướng dẫn chiết xuất thành công nước hoa đậu biếc

Nhóm học sinh được cô giáo hướng dẫn chiết xuất thành công nước hoa đậu biếc

Các em mang tới cuộc thi giải pháp Ứng dụng kiến thức khoa học và các đặc điểm của thực vật trong việc tạo ra màu sắc, hương, vị nước giải khát an toàn.

Ý tưởng của dự án này bắt nguồn từ thực trạng các hàng quán ở gần trường học, căn-tin và các quán giải khát lề đường bán các loại đồ uống sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc gây hại cho người tiêu dùng nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. 

Dự án này có ý nghĩa cộng đồng nên được giám khảo cuộc thi đánh giá cao. Cô Song Đào - giáo viên hướng dẫn của nhóm, cho biết: “Nhóm hi vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng là uống nước không chỉ giải khát mà còn cung cấp chất dinh dưỡng. Ngoài ý nghĩa cộng đồng, tính ứng dụng của đề tài nghiên cứu rất cao. Các bạn trẻ có thể tự thay đổi màu, vị, hương thơm của đồ uống bằng những nguyên liệu thực vật trong tự nhiên”.

Thiết kế máy của nhóm hiện vẫn còn khá thô sơ

Thiết kế máy của nhóm hiện vẫn còn khá thô sơ

Ví dụ một ly sữa chua đá thêm chút lá dứa và 1 ít đường sẽ có hương thơm khác. Sau đó, cho thêm nước hoa đậu biếc vào thì ly nước sẽ có màu tim tím. Nếu cho thêm vài giọt chanh nước sẽ có màu hồng hồng... Như vậy, chúng ta có thể tự tạo cho mình hương vị, màu sắc ly nước mà không cần sử dụng phẩm màu độc hại mà còn tăng thêm dinh dưỡng cho đồ uống.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm được sự quan tâm của ban tổ chức, được huấn luyện bởi chuyên gia giỏi (Phó giám đốc - Trung tâm viện Robot Estella Place) do ban tổ chức cử xuống tại trường huấn luyện. Bên cạnh đó là sự chỉ bảo, hỗ trợ tận tâm của giáo viên hướng dẫn đã giúp nhóm hoàn thiện dự án.

Tuy nhiên, 6 thành viên trong nhóm đều chỉ mới học cấp 2 nên việc thiết kế máy mất khá nhiều thời gian. Các em đã phải sắp xếp thời gian học trên lớp và thời gian học ở nhà để hoàn thành đề tài đúng mốc thời hạn của các vòng thi.

Vượt lên chính mình

Không phải ngẫu nhiên mà tên của nhóm là C3T3, mang ý nghĩa: chăm chỉ, tự tin, chiến thắng - chiến thắng bản thân, chiến thắng khó khăn của cuộc sống.

“Khi thấy các em học sinh miền quê của mình đạt giải, mình thực sự cảm thấy nghẹn ngào bởi các em đã vượt qua sự rụt rè, nhút nhát của học sinh quê. Mình đã chứng kiến các em dần trưởng thành qua cuộc thi. Cả nhóm khi ấy đều khóc bởi các em đã chiến thắng bản thân mình cũng như chiến thắng khó khăn trong cuộc sống”, cô Song Đào xúc động chia sẻ.

Sau cuộc thi, nhóm cùng cô giáo hướng dẫn được tham quan TP.HCM cùng ban tổ chức

Sau cuộc thi, nhóm cùng cô giáo hướng dẫn được tham quan TP.HCM cùng ban tổ chức

Cô Đào cũng cho biết thêm, cha của nhóm trưởng Nguyễn Nhật Minh là giáo viên và vừa mới qua đời vì tai nạn giao thông. Em ấy đã nén nỗi đau để tập trung vào học tập. Cũng chính cuộc thi này đã giúp em bớt nỗi nhớ ba mỗi khi chiều xuống và những buổi tan học về

“Qua cuộc thi em học được rất nhiều điều. Trước tiên là được tiếp cận với cách giáo dục mới (giáo dục Stem). Chúng em được gắn bó và làm việc cùng với những chuyên gia. Không chỉ vậy, tụi em còn học hỏi được nhiều điều từ các đội khác. Nhóm cũng rất vui vì đã đưa ra được giải pháp phần nào giải quyết được vấn đề thực trạng hiện nay của xã hội. Và còn nhiều điều hơn thế nữa mà em cũng không thể kể hết”, trưởng nhóm Nguyễn Nhật Minh bộc bạch.

Sau cuộc thi, nhóm dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện những thiếu sót của dự án từ những góp ý của ban giám khảo.

Hành trình kiến tạo tương lai là cuộc thi do Samsung toàn cầu khởi xướng từ năm 2009, nhằm tạo ra sân chơi sáng tạo giúp các em học sinh chủ động tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề liên quan đến địa phương của mình. 

Tính tới nay, Samsung đã tổ chức cuộc thi Solve For Tomorrow ở 17 quốc gia như Mỹ, Canada, Singapore, Việt Nam,… với hơn 200.000 học sinh, sinh viên tham gia. 

Tại Việt Nam, Hành trình kiến tạo tương lai, với sự đồng hành của Tổ chức Giáo dục phi lợi nhuận Teach for Vietnam, đã giúp đào tạo kỹ năng STEM và tiếng Anh, đồng thời tổ chức cuộc thi dành cho học sinh và giáo viên tại các trường THCS trực thuộc các tỉnh Tây Ninh, Quảng Nam, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và Huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Hà Trần