Sinh viên công nghệ trổ tài làm phần mềm hỗ trợ ngành y

Với phần mềm chẩn đoán bệnh nhãn khoa, sinh viên và bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua các triệu chứng mắc phải, tham khảo phương pháp điều trị nhanh chóng và thuận tiện.

Phần mềm này đã giành giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo phần mềm ứng dụng dành cho sinh viên 2019

Phần mềm này đã giành giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo phần mềm ứng dụng dành cho sinh viên 2019

Phần mềm chẩn đoán bệnh nhãn khoa được thực hiện bởi nhóm Glixylus gồm 5 thành viên chính thức: Dương Phan Quân Vũ, Nguyễn Văn Phú Nhàn, Bùi Quang Đính, Đinh Hoàng Luôn, Trần Vũ Hoàng Việt (sinh viên Trường Đại học RMIT và Trường đại học công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM). 

Theo trưởng nhóm Dương Phan Quân Vũ, với sự phát triển của công nghệ, nhóm nhận thấy cơ sở vật chất ở nước ta còn có nhiều thiếu thốn cũng như không đủ kinh phí để hỗ trợ cho bệnh nhân ở nhiều khu vực trong nước. Chính điều đó đã thôi thúc để nhóm quyết tâm thực hiện phần mềm hỗ trợ nghiên cứu và chuẩn đoán bệnh nhãn khoa. Phần mềm sẽ giúp sinh viên và bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua các triệu chứng mắc phải, tham khảo phương pháp điều trị, phương thuốc một cách nhanh chóng và thuận tiện. Đồng thời giúp các sinh viên ngành y, bác sĩ có được nguồn tài nguyên để nghiên cứu về bệnh lý.

Giao diện chức năng chẩn đoán của phần mềm.

Giao diện chức năng chẩn đoán của phần mềm.

Phần mềm gồm có 3 chức năng chính. Thứ nhất là chẩn đoán bệnh nhãn khoa dựa trên các triệu chứng. Theo đó, khi người dùng nhập triệu chứng, phần mềm sẽ đưa ra các bệnh đúng với các triệu chứng đang mắc phải. Người dùng nhập càng nhiều, tỉ lệ đưa bệnh sẽ càng chính xác. Bên cạnh đó, phần mềm sẽ đưa ra nguyên nhân, phương pháp và thuốc để điều trị

Chức năng thứ hai là Từ điển nhãn khoa. Từ điển được cung cấp độc quyền bởi bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Chí Tâm chuyên khoa mắt. Từ điển bao gồm hơn 5.000 bệnh nhãn khoa với các thuật ngữ, định nghĩa và hình ảnh mô tả về bệnh đó. 

Chức năng từ điển nhãn khoa

Chức năng từ điển nhãn khoa

Ngoài ra, phần mềm này còn có Hồ sơ bệnh án, bao gồm các thông tin cơ bản của một hồ sơ bệnh viện (họ tên, số bảo hiểm, triệu chứng, nguyên nhân…). Hồ sơ bệnh án giúp cho các bác sĩ có thể  tìm hồ sơ bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Thời gian qua, phần mềm đã được thử nghiệm tại phòng khám mắt Dương Anh Quân, thành phố Huế và vận hành khá hiệu quả cho đến hiện tại.

Chức năng hồ sơ bệnh án.

Chức năng hồ sơ bệnh án.

Đánh giá tính ứng dụng của đề tài, Quân Vũ cho biết, với phần mềm nhãn khoa, nhóm sẽ đưa vào các bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng khám tư nhân và các trường đại học để mọi người có thể sử dụng và với mỗi nơi sẽ có một chức năng riêng. Ví dụ cho sinh viên, phần mềm sẽ để tất cả chức năng để sinh viên sử dụng, còn với bệnh viện thì hồ sơ bệnh án sẽ được dùng làm chức năng chính. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong muốn đưa vào các bệnh xá ở vùng sâu, vùng xa để có thể hỗ trợ các bác sĩ ở đây xác định tình hình bệnh nhân, chẩn đoán bệnh và đưa ra mức độ nghiêm trọng của bệnh để có thể kịp thời chữa trị.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, nhóm mong muốn áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để có thể chuẩn đoán bệnh qua camera, mở rộng các chuyên ngành, tạo chức năng đăng ký (book) phòng khám để cho các bệnh nhân có thể đặt lịch ở các phòng khám tư nhân hay bệnh viện mà không phải ngồi chờ đợi lâu. Xa hơn nữa, nhóm cũng mong muốn được hợp tác với tập đoàn lớn để có thể phát triển ra thế giới.

Một số thành tích mà nhóm đã đạt được :

- Giải nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học kĩ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

- Giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế

- Giải khuyến khích cuộc thi Appkathon 2019

- Giải ba cuộc thi Makerthon 2019

- Giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo phần mềm ứng dụng dành cho sinh viên 2019

Mai Dung