Sáng chế độc quyền máy đào khoai tây của nông dân lớp 8

Điều làm cho mọi người ngạc nhiên hơn nữa là “cha đẻ” của máy đào khoai tây này mới chỉ học đến lớp 8 và không qua trường lớp đào tạo kỹ thuật cơ khí.

2.jpeg

Nông dân Phạm Minh Thành (42 tuổi), ngụ đường Nguyễn Siêu, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), người sáng chế ra máy đào khoai tây với năng suất lao động mỗi ngày bằng 70 nhân công lao động nay đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ độc quyền với nhãn hiện máy đào khoai tây “Minh Thành Tài”.

Từ thuở nhỏ, Phạm Thành Minh đã cùng gia đình lam lũ đào khoai tây mỗi khi bước vào thời kỳ thu hoạch. Lớn lên, lập gia đình, sinh con cái, khoai tây vẫn là cây trồng gắn bó với gia đình anh.

“Khổ nhất là thời điểm bước vào chính vụ, khắp Đà Lạt nhà nhà đào khoai tây chạy đua với thời gian để bán được với giá cao hoặc tránh khoai bị trúng mưa dẫn đến hư hỏng. Nhân công lao động thì khan hiếm, có thuê được giá cũng rất cao. Bởi vậy, tôi nảy sinh ý tưởng phải chế ra cái máy thu hoạch khoai tây để giảm bớt cực nhọc cho nhà nông, mà trước hết là phục vụ cho chính nhu cầu bức thiết của mình” - anh Thành chia sẻ.

1.jpeg

Năm 2008, anh Phạm Minh Thành chính thức bắt tay vào việc sáng chế máy thu hoạch khoai tây. Sau hơn một tháng trời miệt mài với công việc gò hàn, chế tạo, lắp ghép…bỏ bê công việc đồng áng cho vợ và thuê thêm người làm, cuối cùng chiếc máy đào khoai tây đầu tiên đã cơ bản hoàn thành.

Ngày anh Thành đem máy đào khoai tây ra vườn hồ hởi chạy đào thử, rất đông người dân làm nông nghiệp quanh đó kéo tới chứng kiến, ai cũng lắc đầu, tỏ vẻ hoài nghi về khả năng công dụng của chiếc máy này.

Họ cũng vô cùng thất vọng về sự “nguy hiểm” của những lưỡi đào sắc nhọn. Ngoài rất nhiều củ khoai bị sót lại, phần được đưa lên khỏi mặt đất thì quá nửa số củ bị lưỡi sắt xén đứt ngang hoặc gây trầy xước, hư hỏng.

3.jpeg

Phải mất mấy tháng tiếp theo, sau nhiều lần chỉnh sửa các chi tiết kỹ thuật, tháo ra, lắp vào, bỏ bớt phần này, thêm vào chỗ kia.. bỏ hẳn việc làm vườn để tập trung sáng chế máy đào khoai tây, cuối cùng anh Thành đã hạn chế được những lỗi kỹ thuật của chiếc máy này.

Nhưng để máy đào khoai tây thực sự hoạt động đạt được mục đích như kỳ vọng thì phải mất cả năm trời. Anh Thành vừa làm, vừa sửa chữa, nâng cấp các chi tiết. Anh tập trung nhiều thời gian công sức hơn cả cho việc sáng chế bộ phận đào củ khoai tây cho linh động, phù hợp với mọi địa hình của Đà Lạt. Chiếc máy khi hoàn thiện, củ khoai khi đào không còn bị sót, kể cả những củ rất nhỏ, không bị trúng lưỡi sắt gây đứt xém hoặc trầy xước.

Khi hay tin anh Phạm Minh Thành sáng chế thành công máy đào khoai tây, hàng chục gia đình chuyên trồng loại nông sản này khắp Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng.. tìm tới quan sát thực tế. Ngay lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy hoạt động rất hiệu quả, tiện ích, nhiều người đã đặt vấn đề với anh Thành làm máy để bán cho họ.

“Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh phía Bắc cũng gọi điện đặt hàng và thế là máy đào của mình được xuất bán ra ngoài ấy. Tính đến nay, mình đã bán được hơn 200 máy, giao tận nơi và tùy theo xa hay gần mà máy được bán với giá từ 19 - 24 triệu đồng/chiếc”-anh Thành cho biết.

4.jpeg

Nông dân Trần Ngọc Lưu Long, ngụ thôn Măng Lin, phường 7, TP Đà Lạt cho biết, máy đào khoai tây do anh Thành sáng chế là chiếc máy đa năng: “Máy thu hoạch khoai tây vừa lấy được củ khoai, vừa đào xuống lòng đất sâu hơn 30cm, đăm nhỏ những cục đất lớn, thu hoạch xong khoai tây thì cũng coi như vừa làm đất xong, chỉ chờ ngày xuống giống loại hoa màu tiếp theo”.

Hiện máy đào khoai tây của anh Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận độc quyền nhãn hiệu “Minh Thành Tài”. Điều làm cho mọi người ngạc nhiên hơn nữa là “cha đẻ” của máy đào khoai tây này mới chỉ học đến lớp 8 và không qua trường lớp đào tạo kỹ thuật cơ khí.  

Theo CAND