Lễ Tết không quà - Một xu thế mới ở Phương Tây

Theo những khảo sát gần đây, gần nửa dân số Hoa Kì - nhất là các bậc phụ huynh - bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì vấn đề quà cáp cuối năm. Một số người bắt đầu khơi dậy trào lưu “Không tặng quà” dịp lễ tết. Lý do của họ là gì?

 

Cô Raagini Appadurai - 26 tuổi, một giáo viên kiêm luật sư sống tại Toronto (Canada) - cho biết, gia đình cô đã thống nhất “nói không với quà” trong năm nay. Cô nói: “Khi chúng tôi quyết định bỏ qua chuyện mua sắm quà cáp, chúng tôi đã thể hiện một điều: Chính sự có quây quần của từng thành viên gia đình mới là món quà lớn nhất”.

Một số gia đình còn biến tấu hoạt động gửi gắm yêu thương cho đỡ cầu kì nhưng vẫn giữ tinh thần tặng quà. Năm nay, Heather Hund và gia đình của cô sẽ sum họp tại ngôi nhà chung ở vùng Tây Texas vào ngày lễ chính và tiếp tục “nghi thức” trao quà ngẫu nhiên: mỗi thành viên tặng quà cho một thành viên ngẫu nhiên khác, giá chỉ 10 đôla.

Nghi thức này bắt đầu từ 6 năm trước - khi mà gia đình Hund cảm thấy mệt mỏi với việc mua sắm mùa lễ tết. “Tôi nhớ mãi những buổi chiều gấp gáp về nhà mà vẫn căng đầu chuyện quà, để rồi vội vã chạy ra khu mua sắm hoặc tìm trên mạng để xem có thể tìm được thứ gì giao đến nhà kịp lúc trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại.” - Cô nhớ lại.

Giờ đây, với thời gian thoải mái hơn, cả gia đình sẽ tham gia các hoạt động cùng nhau: tô màu đồ sứ, nấu ăn, chạy bộ, hoặc chơi bài. Nghi thức trao quà mới còn giúp mọi thành viên có món quà đáng nhớ hơn - và trên hết là ai cũng hào hứng vui vẻ.

Trên đây là 2 ví dụ tiêu biểu cho những gia đình tận hưởng ngày lễ với mong muốn thay đổi truyền thống tặng quà. Những nguyên nhân dẫn đến mong muốn này bao gồm: chán nản mua sắm và tiêu thụ hàng hóa, chú trọng hơn đến khía cạnh tinh thần và tôn giáo của ngày lễ, và/hoặc bảo vệ môi trường - nhưng quan trọng nhất và thực tế nhất là tiết kiệm tiền chi tiêu và có thêm thời gian cho người thân.

Thêm vào đó, nhiều người còn hành động vì cộng đồng. David Tucker, một kĩ sư phần mềm 33 tuổi sống ở bang Virginia cho biết anh và vợ đã nói không với quà được 3 năm cũng vì không thích mua sắm và chiêu trò tiếp thị đi kèm.

Thay vào đó, vợ chồng anh quyên góp tiền “đáng lẽ dành để mua quà” cho hội từ thiện, đồng thời tình nguyện phục vụ các suất ăn cho người khó khăn ở địa phương. Dĩ nhiên, buổi sắm đồ mùa lễ hội của hai vợ chồng Tucker chỉ diễn ra trong vài phút, và họ không có ý định từ bỏ công việc thiện nguyện vào những mùa lễ hội trong tương lai.

Một số hộ gia đình không thích tặng quà với lẽ rằng cử chỉ đó không thể hiện tinh thần mùa lễ hội. Như cặp vợ chồng Koroknay-Palicz sống tại thành phố Hyattsville, bang Maryland: họ là những người theo Công giáo, không có lệ tặng quà cho nhau vào dịp Giáng sinh, và họ chỉ biếu những món quà nhỏ cho bố mẹ của họ.

Người vợ Tricia cho biết: “Ý nghĩa ban đầu của mùa lễ hội là sự yên bình, là khoảng thời gian để tưởng nhớ thời khắc đấng linh thiêng ra đời; nhưng dần thì tất cả chuyển sang tập trung vào mua sắm và hào nhoáng nhất thời.”.

Lại có những gia đình sáng tạo hơn trong nhận thức về quà tặng. Thay vì mua quà vật chất, nhà Orzechowski sống ở thủ đô Washington đã bắt đầu đi du lịch hàng năm theo kiểu “hợp tác xã” từ năm 2015 - mỗi thành viên sẽ chi trả cho một địa điểm du lịch nào đó trong chuyến đi.

Trong khi đó, cô y tá 39 tuổi Jennifer Knepper đã 10 năm nay tổ chức “hội chợ quà” tại Lancaster, bang Pennsylvania nơi cô sinh sống - một dịp cho mọi người giao lưu văn hóa ẩm thực và quyên góp từ thiện.

Thậm chí, các tổ chức cũng góp phần làm tăng tính tinh thần và giảm mặt vật chất của ngày lễ. Một trong số đó là phong trào Buy Nothing Christmas (không mua gì ngày lễ) ở Canada: mục tiêu của phong trào này là “hạn chế tính thương mại của lễ tết”.

Best-Gift.jpeg

Một tổ chức khác tên là New Dream thì đặt mục tiêu thay đổi thói quen tiêu dùng. Tổ chức này đã thực hiện chương trình Ngày lễ Đơn giản được 13 năm, và 5 năm trước đã cho ra mắt SoKind, một nền tảng chia sẻ quà trực tuyến cho phép mọi người tặng những người thân yêu cả hiện vật lẫn những “gói” quà phi vật chất (buổi học nhạc, món ăn tự làm, hoặc quyên góp từ thiện). Điểm hay của SoKind là mọi người có thể tặng quà vào bất kì dịp nào, và hiện tại danh sách tặng quà đã lên đến 13.000.

Dù chọn bất kì ý tưởng thay thế quà cáp nào, những người quyết định phá cách đều thỏa mãn với việc họ làm và cùng chia sẻ niềm hạnh phúc và tinh thần lễ hội với các thành viên gia đình và những người xung quanh.

Hơn thế nữa, họ còn mong muốn những ý tưởng của họ sẽ được duy trì trong các thế hệ tiếp theo - gần nhất là những đứa con của họ. Khó khăn duy nhất là hầu hết các bé còn ít tuổi nên sẽ chưa hiểu rằng “quà tặng không quan trọng bằng yêu thương thật lòng” và có thể sẽ so sánh với bạn bè; tuy nhiên, các bậc phụ huynh tin rằng có thể hướng dẫn và động cho các bé ngay từ nhỏ để biến ý tưởng thành truyền thống dài lâu.

Nhưng trước mắt, những biến chuyển trong tâm lí và hành động của mọi người trong mùa lễ hội hiện nay cho thấy: quà có thể không có, nhưng nụ cười thì luôn tỏ trên môi.

Quốc Huy (Theo The Atlantic)