7 lời khuyên cho kế hoạch cá nhân năm tới
Sau cả một năm trời nỗ lực làm việc, khoảng thời gian cuối năm là lúc để mọi người hướng đến năm mới với những dự định ấp ủ. Sau đây là 7 ý tưởng hữu ích cho những ai mong muốn trở thành người vững tâm và tăng hiệu quả trong năm sau.
Một ý tưởng quá rõ ràng đến mức… thừa thãi? Không hề, chúng ta rất giỏi đẩy mình vào những ồn ào và bận bịu kéo dài liên miên: bàn công việc ở văn phòng, nghe nhạc, kiểm tra hòm thư, lướt mạng xã hội, gọi điện thoại,...; thành ra chúng ta chẳng có nhiều thời gian và không gian cho sự yên tĩnh của chính chúng ta.
Chẳng thế mà chuyên gia thu âm Gordon Hempton, người sáng lập ra Quỹ The One Square Inch of Silence với mục đích kiểm soát tiếng ồn, đã ca ngợi tầm quan trọng của sự yên tĩnh vì là “nền tảng suy nghĩ của tâm hồn”, đồng thời lo ngại rằng “sự yên tĩnh sắp tuyệt chủng”.
Trước thềm năm mới là thời điểm lí tưởng để dành ra ít phút “một mình” tua lại trong tâm trí những thành tựu đã qua và những điều mình muốn làm tốt hơn. Chỉ cần chừng 15 phút mỗi ngày để tĩnh lặng suy tư, và kết quả là bạn sẽ cảm thấy hứng khởi hơn, đồng thời suy nghĩ về cách hoàn thành các mục tiêu năm mới cũng thấu đáo hơn.
Thêm một lời khuyên rõ ràng nhưng hay bị bỏ qua. Có thể lúc này bạn đang dự tính những điều cần làm như tiết kiệm tiền hay giảm cân. Đây là tin không vui cho bạn: số người đặt mục tiêu năm mới và thực hiện thành công chỉ là… 8 trên 100 người.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với 92% số người còn lại? Họ đặt mục tiêu quá chung chung, quá phi lý, hoặc quá khả năng thực hiện của họ - để rồi họ sớm nản lòng và đầu hàng vô điều kiện khi dần thấy mục tiêu đó không thích hợp. Vì thế, chúng ta nên đặt mục tiêu rõ ràng và thực tế - việc hoàn thành những mục tiêu nho nhỏ sẽ tạo tâm lí tích cực để ta tiếp tục phấn đấu.
Thay đổi không hề dễ dàng đối với một sinh vật có thiên hướng quanh quẩn trong vùng an toàn như con người chúng ta. Thêm vào đó, thay đổi cũng là một lí do khiến cho nhiều người không hoàn thành mục tiêu năm mới của họ: đối với họ, thay đổi thì “đáng sợ, khó nhằn, và bất thường”.
Tuy nhiên, thay đổi luôn diễn ra, và cũng là một yếu tố cần thiết cho sự thành công của chúng ta trong công việc cũng như trong cuộc sống, nên hãy bắt đầu với những thay đổi tích cực bằng cách:
Thấu hiểu những gì bạn muốn thay đổi, dựa trên giá trị bản thân và những điều quan trọng nhất với bạn.
Loại bỏ tiêu cực (những người hay nói không, những suy nghĩ bi quan) ra khỏi cuộc sống.
Củng cố mối quan hệ với những người tích cực và sẵn sàng giúp bạn.
Linh hoạt và tin vào khả năng thích ứng của bản thân.
Chia nhỏ mục tiêu lớn thành từng bước dễ thực hiện.
Đối mặt với nỗi sợ và thất bại.
Những người vững tâm thường được cho là có khả năng chống lại cám dỗ, và đó là một nhận định sai lầm: việc chống lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng thần kinh, trong khi ý chí thì có hạn.
Thay vì tiêu tốn ý chí để cưỡng lại cám dỗ, những người kiên định đơn giản chỉ cần loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của họ.
Nhiệm vụ này không dễ, nhưng bạn có thể bắt đầu với việc tìm ra những điều thôi thúc bạn và cách thức giúp bạn không bị những thôi thúc đó bắt thóp: nếu như ngân sách eo hẹp, bạn có thể tổ chức sinh nhật bằng một bữa tiệc nho nhỏ tại nhà thay vì tại một nhà hàng sang chảnh; nếu muốn giảm cân, bạn nên thay thế đồ ăn vặt bằng rau quả; vv.
Thay vì gà gật hoặc nằm ườn trên giường cả ngày, những người vững tâm luôn thức dậy sớm và lập sẵn cho mình một danh sách những việc cần hoàn thành trong ngày, nhờ vậy họ có thể bắt đầu công việc ngay lập tức mà không phải tự hỏi “mình nên làm gì nhỉ?”.
Vì thế, việc đầu tiên khi năm mới vừa đến là tạo thói quen viết ra Những Việc Quan trọng nhất trước khi đi ngủ (thông thường danh sách này chỉ gồm 3 gạch đầu dòng).
Tiếp theo, hãy thức dậy sớm - tranh thủ khoảng thời gian yên tĩnh buổi sáng sớm để xem lại lịch trình và danh sách Việc Quan trọng, suy ngẫm, hoặc điểm qua tin tức; bạn có thể tự rèn thói quen dậy sớm từng bước một: nếu bạn nhắm dậy sớm nửa tiếng, trước mắt hãy đặt đồng hồ sớm 5 phút trong một tuần, rồi sớm 10 phút,... luyện dần cho đến khi bạn quen với việc mở mắt sớm 30 phút so với thói quen cũ.
Cuộc sống luôn ném mọi thứ nó có để phá nát những lịch trình hoàn hảo nhất mà chúng ta đặt ra: tiệc tùng vào kì nghỉ làm khiến bạn nghỉ luôn chuyện ăn kiêng, công việc ôm bạn chặt đến mức bạn không dành thời gian ôm gia đình mình, bạn muốn có thu nhập bằng việc tự kinh doanh nhưng lại… thiếu vốn.
Để không bị bỡ ngỡ, bạn nên có kế hoạch cho cả những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình bạn thực hiện hoạt động và ý tưởng của mình. Đơn cử như nếu bạn muốn mở công ty riêng, bạn nên có một quỹ khẩn cấp để vẫn có thể tiếp tục phòng khi lấn cấn chuyện tiền bạc.
Dù là ý tưởng hay mục tiêu gì cho tương lai, bạn cần tâm niệm rằng chúng cần có khoảng thời gian nhất định để hoàn thành chứ không phải chỉ trong một sớm một chiều. Bạn có thể “trau dồi” khả năng nhẫn nhịn của mình bằng cách sẵn lòng học hỏi từ sai lầm, nâng cao kĩ năng, theo dõi quá trình thực hiện lẫn những điều đạt được, và luôn hướng đến mục tiêu.
Tựu chung lại, khi năm mới sắp đến gần, ai trong chúng ta cũng đều muốn những điều mới và tích cực hơn sẽ đến với mình. 7 lời khuyên sẽ là những bước đệm hoàn hảo để chúng ta hoàn thiện bản thân dần dần từng ngày một trong cả một năm đang chờ ở phía trước.
Quốc Huy (Theo Linkedin)