Vị họa sĩ 96 tuổi và câu chuyện gìn giữ cả một ngôi làng

10 năm trước, khi biết ngôi làng của mình sẽ bị phá bỏ, người cựu chiến binh ấy bắt đầu cầm cọ lên để gìn giữ nơi này. Và từ đó đến nay, ông vẫn chưa hề bỏ cuộc.

 

Trước lúc bình minh

Bây giờ là 4 giờ sáng ở hòn đảo Đài Loan, và mọi thứ vẫn chìm trong bóng tối. 2,8 triệu dân thành phố Đài Trung vẫn đang say giấc, những ánh đèn neon cũng đã vụt tắt. Khi ấy, chỉ có hình bóng của cụ già 96 tuổi đang chậm rãi tô vẽ trong màn đêm.

Mỗi buổi sáng, ông Hoàng Vĩnh Phúc đều rời khỏi nhà với đôi xăng-đan, cầm một vài cành cọ vẽ nhỏ và đi đến những con đường bên ngoài. Khi cảnh vật xung quanh vẫn im lìm, ông đã đứng 3 tiếng trên chiếc ghế và lặng lẽ trang trí những bức tường xi măng, vỉa hè, và những cánh cửa sổ  với những màu sắc sặc sỡ như kính vạn hoa.

Mọi chuyện đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi phòng ngủ của ông tràn ngập hàng chục ngàn hình vẽ. Đến hôm nay, thế giới lạ thường của những con người có hình dáng như phim hoạt hình, những con vật trừu tượng, hay những hình ảnh siêu thực đã phủ đầy từng xăng-ti-mét của ngôi làng từng là cứ điểm quân sự này. Người ta gọi nó là Làng Cầu vồng.

Mỗi năm, nơi đây tiếp đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan và gặp gỡ người họa sĩ cần mẫn ấy. Ông được gọi trìu mến với cái tên “Ông Cầu vồng”.

 

Vẽ để gìn giữ

Hiếm có ai không mỉm cười trước những hình vẽ trải dài suốt chiều dài ngôi làng. Đó là những chú hổ tí hon nhảy qua bức tường, những con mèo ria dài đang trốn trong những ngõ hẻm, một đoàn những chú gấu trúc mắt to, hoặc chim công và con người đang nhìn nhau qua những cánh cửa.

Nếu dành nhiều thời gian hơn, bạn còn có thể ngẫu nhiên bắt gặp hình vẽ những samurai đang nhảy múa, những phi hành gia đang trôi nổi và hôn người yêu dấu của họ.

Mọi người sẽ dễ tưởng ông Hoàng là họa sĩ chuyên nghiệp, bởi những bức tranh quá đỗi sống động và hút mắt, thì ngạc nhiên thay, ông chỉ bắt đầu tự học hội họa từ độ tuổi 86. Ông không những truyền tải đời sống ở đây vào trong một cuốn sách ảnh đời thực, mà ông còn gìn giữ nó khỏi sự phá hủy.

Ông Hoàng cho biết: “Mười năm trước, chính phủ từng đe dọa đập bỏ ngôi làng này. Nhưng tôi không muốn. Đây là quê hương duy nhất của tôi ở hòn đảo này. Và tôi bắt đầu vẽ để bảo vệ nó”.

 

Cuộc đời ông Hoàng

p06t2mn4.jpg

Ông Hoàng sinh ra tại vùng ngoại ô Hàng Châu, Trung Quốc. Năm 1937, khi chỉ là một cậu trai 15 tuổi, ông đã rời bỏ quê hương để tham gia chiến tranh Trung - Nhật lần 2.

Sau Thế chiến 2, ông di cư sang hòn đảo Đài Loan. Gia đình của những người như ông được cho ở tạm tại các ngôi làng “phụ thuộc quân đội” trên khắp hòn đảo. Dân dần, những ngôi làng tạm bợ ấy lại trở thành nơi định cư lâu dài.

Sau khi nghỉ hưu, ông dùng số tiền mình tích cóp được để sống trong một căn nhà tại ngôi làng nơi ông đã có 40 năm hạnh phúc trong quá khứ. Ngày nay, du khách có thể tìm thấy cánh cửa nhà của ông thông qua hình vẽ một người lính mỉm cười với một cây cọ vẽ trong tay.

 

Từ người lính đến họa sĩ đường phố

rainbow-village-taichung-taiwan-huang-yung-fu-4-5bf3d588b656d__700.jpg

Ông Hoàng nói rằng: “Khi tôi đến đây, ngôi làng có 1.200 hộ dân. Chúng tôi tụ tập trò chuyện với nhau cứ như một gia đình lớn. Tuy nhiên dần dần, người thì rời đi, người thì qua đời. Và tôi trở nên cô đơn”.   

Đến năm 2008, ông Huang phải lần lượt chứng kiến những người bạn của mình rời đi. Không vợ con, không gia đình, ông chẳng còn nơi nào để đi. Vậy nên ông vẫn cố trụ tại đây cho đến khi cả ngôi làng chỉ còn mình ông.

Khi nhận được thư đề nghị chuyển đi để phá làng của chính quyền, người lính già đã bắt đầu làm công việc mà ông đã không đụng đến từ khi còn đi học: cầm cọ và vẽ.

Ban đầu là hình một vài con chim ở căn nhà của mình, rồi đến vài con mèo, vài người, rồi cả máy bay. Cứ thế, những tác phẩm hội họa của ông dần phủ kín khắp các bức tường, các con đường của ngôi làng bị bỏ rơi.

 

Sự chú ý từ bên ngoài

Một đêm năm 2010, một sinh viên tình cờ gặp gỡ người họa sĩ già và biết được câu chuyện của ông. Sau khi chụp một vài tấm hình về những bức vẽ này, người sinh viên đã bắt đầu chiến dịch gây quỹ để mua cọ vẽ cho ông Hoàng, đồng thời thỉnh cầu ngừng việc phá bỏ ngôi làng.

Tin tức về “Ông Cầu vồng” được lan rộng và trở nên sôi sục trên khắp cả nước. Trong nhiều tháng, thị trưởng Đài Trung đã nhận hơn 80.000 email cầu xin giữ lại ngôi làng. Nghe có vẻ kỳ lạ, thế nhưng hành động này đã có tác dụng. Vào tháng 10 năm 2010, chính quyền đã ra quyết định giữ lại 11 ngôi nhà, những con đường và khu vực xung quanh để tạo thành một công viên.

“Trái tim mọi người thổn thức với công trình và câu chuyện của ông ấy. Ông ấy không đòi hỏi bất kỳ sự giúp đỡ nào. Ông ấy chỉ đơn giản là yêu mến ngôi nhà của mình”

 

Tiếp tục hành trình

Sau khi được giữ lại ngôi làng, ông Hoàng tiếp tục thức dậy trước bình minh mỗi sáng, cầm cọ và thực hiện nhiệm vụ hàng ngày.

Đó đã trở thành một thói quen từ những năm tháng dậy sớm trong quân đội. Ông cho biết: “Có nhiều thứ tôi không thể làm được nữa, nhưng tôi biết tôi vẫn có thể vẽ. Nó giúp tôi khỏe mạnh, và nó biến một nơi cũ kỹ thành một nơi tươi sáng, vui vẻ”.

Công việc này giúp ông trẻ ra. Bởi tất cả những hình vẽ ấy đều lấy cảm hứng từ những kỷ niệm, những tưởng tượng thời thơ ấu. Hãy tưởng tượng xem thật đẹp biết bao khi một ông cụ cầm cọ vẽ lại chú cún ngày xưa, vẽ lại người giáo viên yêu thích, hoặc vẽ lại cảnh chơi đùa cùng anh em trên những cánh đồng đất Trung Hoa.

 

Ngôi nhà rộng mở

Khi hình ảnh Làng Cầu Vồng được lan rộng, rất nhiều du khách đã ghé thăm nơi đây. Theo các quan chức thành phố, năm 2016, ngôi làng chào đón đơn 1,25 triệu lượt tham quan. Ông Hoàng thường đi ra ngoài để chào đón khách du lịch với chiếc áo cổ bẻ có nút và chiếc mũ phẳng, với đôi tay lấm lem vì công việc hội họa vào sáng sớm.

Trong khoảng 10 năm, ông Huang dựa vào những đồng xu mọi người bỏ trong hộp quyên góp bên ngoài ngôi nhà để mua cọ vẽ. Đến nay, một nhóm bạn trẻ đã giúp ông bán những tấm bưu thiếp hoặc hình vẽ có tác phẩm của ông.

Những khoản dư ra sẽ được đóng góp vào tổ chức địa phương dành cho người cao tuổi. Mỗi khi lượng khách ghé thăm quá nhiều, ông sẽ lặng lẽ ở yên trong nhà, hoặc bên cạnh một con suối nào đó, nhắm mắt và tận hưởng âm thanh róc rách của dòng nước.

“Thứ truyền cảm hứng ở đây không chỉ là câu chuyện mà còn là tác phẩm của ông. Rất nhiều bạn trẻ sáng tạo nghệ thuật đường phố, nhưng không đâu có thể đem lại cảm xúc như ở đây” - một du khách chia sẻ

 

Ông Cầu vồng

Những năm gần đây, sức khỏe của ông Hoàng suy giảm khá nhiều và ông dành rất nhiều thời gian tại các điểm chăm sóc y tế. Ông nói: “Đôi khi là tim, đôi khi lại là phổi. Tôi nghĩ có lẽ tôi già rồi”

Mặc dù có biệt danh “Ông”, thế nhưng ông lại chẳng có đứa cháu ruột nào. Ông không kết hôn, và dành phần lớn thời gian sống cô đơn tại nơi này. May mắn thay, ông tìm thấy tình yêu đời mình tại một nơi mà ông chưa bao giờ nghĩ đến: bệnh viện.

Trong suốt thời gian chữa trị viêm phổi, ông và một nữ y tá già phải lòng nhau và tiến đến kết hôn sau đó. Giờ đây cư dân của Làng Cầu vồng đã tăng gấp đôi và “Bà Cầu vồng” sẽ cùng ông chia sẻ căn nhà và thế giới ảo diệu bên ngoài mà ông đã tạo ra từ nhiều năm nay.

Ông Hoàng mỉm cười: “Kể từ khi gặp bà ấy, chỉ có phổi là đau thôi. Còn tim tôi thì tốt hơn rồi”.

 

Nghệ sĩ nhân dân

Sau một giấc ngủ trưa dài, ông Hoàng lại chậm rãi rời khỏi căn nhà trong cái nóng buổi xế chiều để chào đón những du khách mới đến với ngôi làng. Mỗi khi chụp ảnh với họ, ông đều làm biểu tượng V (victory - chiến thắng) và đề nghị họ ghé thăm ông lần nữa.

Không ai biết liệu ông Hoàng có thể còn vẽ được trong bao lâu, hoặc công trình màu sắc của ông sẽ đi về đâu nếu ông qua đời. Cũng có người đề nghị mở rộng Làng Cầu vồng thành một trường nghệ thuật cho trẻ em, hoặc biến nhà của ông thành một viện bảo tàng. Tuy nhiên, ở tuổi 96, hàng ngày ông chỉ còn biết đến một thứ:

“Nếu tôi có thể tỉnh dậy và vẽ vào ngày mai, tôi vẫn sẽ tiếp tục. Nếu không, tôi vẫn cảm thấy vui vẻ vì tôi biết nơi này sẽ tồn tại và giúp mọi người hạnh phúc”.

 
 

Hải Vy (Theo BBC)